Ngân hàng - Bảo hiểm
NHNN lo lạm phát; nguy cơ tiền bẩn được “rửa” qua ví điện tử, tiệm cầm đồ
T.L - 14/11/2021 08:38
NHNN có hai Phó Thống đốc mới; rộ nỗi lo tiền bẩn được “rửa” qua kênh tiền ảo, ví điện tử, tiệm cầm đồ; sắp có Nghị định về Sandbox… là các vấn đề ngân hàng nổi bật tuần qua.

Lạm phát nhiều quốc gia cao lịch sử, áp lực với chính sách tiền tệ rất lớn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan chính sách tiền tệ và gói kích cầu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, lạm phát năm 2020 có thể đạt dưới 4% nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn. Khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Kinh tế Việt Nam lại có độ mở rất lớn, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP hơn 200% nên rủi ro nhập khẩu lạm phát là rất lớn.

Theo Thống đốc, hiện nay, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải dừng chính sách nới lỏng tiền tệ, có 65 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, cho thấy áp lực điều hành chính sách tiền tệ rất lớn.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo ổn định vĩ mô, nhiệm vụ quan trọng nữa của NHNN là phải đảm bảo an toàn hệ thống. Hiện tại, nợ xấu đang dấu hiệu tăng nhanh. Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình.  Nếu tình hình tài chính ngân hàng suy giảm sẽ ảnh hưởng khả năng chi trả và an toàn hệ thống.

 Việt Nam cũng từng có bài học lớn do tăng trưởng tín dụng cao. Năm 2008, chúng ta thực hiện gói hỗ trợ lãi suất, lạm phát năm 2011 có lúc lên tới 18%. Cho nên, nếu kích cầu không tính toán cẩn thận, lạm phát sẽ quay trở lại.

Chính vì vậy, liên quan đến gói kích cầu, Thống đốc cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, liều lượng hợp lý trên cơ sở đảm bảo an toàn, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó thống đốc mới

Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm 2 Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước với ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và ông PHạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

Ông Phạm Thanh Hà năm nay 48 tuổi, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Đại học George Washington - Mỹ. Ông được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước từ ngày 21/8/2017. Trước đó, ông Phạm Thanh Hà làm Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VCBS.

Ông Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm làm trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ ngày 1/6/2017. Trước đó, ông Phạm Tiến Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện 100% vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam. Ông Dũng có hơn 30 năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngân hàng.    

Không thể cho vay dưới chuẩn

 Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về tăng trưởng tín dụng và khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm nay, tín dụng tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn so với năm 2020. Tính đến ngày 26/10/2021, tín dụng tăng 8,13% so với cuối năm 2020 và tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không nên nới lỏng điều kiện cấp tín dụng theo đề nghị của đại biểu vì sẽ làm giảm chất lượng nợ, gia tăng nợ xấu.

"Cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Ngân hàng Nhà nước minh chứng cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007 bắt nguồn từ việc trong giai đoạn 2003 - 2005, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn (người vay dưới chuẩn). Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008.

Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Khi hoạt động sản xuất - kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

Dùng tài khoản ngân hàng mua bán tiền ảo, tẩu tán tiền bẩn

Cử tri Thái Nguyên lo ngại vì hiện tượng một số cá nhân lợi dụng hiện tượng mở tài khoản ngân hàng dễ dãi để đánh bạc, lừa đảo sau đó tẩu tán bằng kênh tiền ảo (sàn Huobi, Biance) rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt. Việc chưa có quy định chặt chẽ trong việc đăng ký, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng, nên một người có thể lập nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để lợi dụng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: tham ô, nhận hối lộ, tổ chức đánh bạc… gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết và xử lý tội phạm.

Vì vậy, cử tri Thái Nguyên đề nghị NHNN có quy định chặt chẽ đối với việc đăng ký, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là đối với việc đăng ký, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng có giao dịch nước ngoài.

Liên quan đến đề nghị của cử tri, Thống đốc NHNN đã có văn bản trả lời. Theo đó, Thống đốc NHNN khẳng định, hiện nay đã có rất nhiều quy định liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới ra nước ngoài cũng như các quy định về phòng chống rửa tiền.

Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm thông tin, cảnh báo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, quản lý ngoại hối, thanh toán quốc tế và phòng, chống rửa tiền. NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan chức năng, Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán, thông tin báo cáo giao dịch đáng ngờ để xử lý nhiều vụ việc gian lận, phạm tội liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Rửa tiền qua ví điện tử, p2p lending, cầm đồ, tiền ảo

Nhiều đường dây đánh bạc, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối (forex) lừa đảo thời gian qua sử dụng ví điện tử, khiến cơ quan chức năng lo ngại. Cụ thể, chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, đã có 3 đường dây đánh bạc quy mô hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ bị triệt phá.

Điểm chung để tham gia các đường dây đánh bạc trên là người chơi phải nạp tiền mua tiền ảo bằng các phương thức như nạp thẻ viễn thông, thanh toán ví điện tử (Viettel Pay, Momo). Số tiền thu được từ các con bạc sẽ được các đối tượng trên chuyển thành tiền mặt thông qua thẻ sim điện thoại, ví điện tử…

Giao dịch qua ví điện tử tăng rất mạnh

NHNN tỏ ra lo ngại khi liên tiếp phát hiện các vụ đánh bạc liên quan đến ví điện tử. Theo đánh giá của NHNN, mặc dù mang lại rất nhiều tiện ích, song ví điện tử cũng đang có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc, cá độ, lừa đảo…).

Thống kê của NHNN cho thấy, hiện cả nước có gần 90 triệu tài khoản ví. Tốc độ tăng trưởng của ví điện tử những năm qua thường lên tới 3 con số, cao hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng của thẻ ngân hàng, giao dịch Internet banking. Đáng nói là, trên 90% ví điện tử đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không siết chặt quản lý ví điện tử, nguy cơ sẽ phải đối mặt rất nhiều hệ lụy, không chỉ là lợi dụng để đánh bạc, lừa đảo.

Chính vì vậy, NHNN đang nghiên cứu sửa Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 theo hướng bổ sung 4 nhóm đối tượng rủi ro cao vào diện bắt buộc báo cáo, bao gồm: Ví điện tử, tiền ảo, cho vay P2P, cầm đồ.

Ngoài nguy cơ của ví điện tử như đã nói ở trên, tiền ảo cũng được NHNN nhận diện là kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch" hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.  

Tương tự, dịch vụ p2p lending cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...) tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.  Cũng giống như lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động cho vay trực tuyến, nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này.

Cuối cùng, dịch vụ cầm đồ ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng hiệu cầm đồ cũng như quy mô vốn. Ngày nay hoạt động của chuỗi cầm đồ ngày càng có quy mô lớn, cầm cố các tài sản có giá trị lớn nhưng lại rất khó kiểm soát như giấy tờ có giá trị lớn, ô tô, đồ trang sức đắt tiền… trong đó có cả việc nhận cầm cố, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, dịch vụ cầm đồ đang có dấu hiệu “biến tướng” tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, là nơi tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có do đó tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc… trong thời gian qua.

Phức tạp tín dụng đen núp bóng vay online, cầm đồ lách luật cho vay nặng lãi

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cảnh báo hiện tượng các đối tượng tín dụng đen núp bóng cho vay online và các hiệu cầm đồ lách luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Covid-19 kéo theo tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.  

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người vay; Lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tiếp cận số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Thủ đoạn quảng cáo của các đối tượng này là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí nhằm lách quy định về lãi suất.

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng, nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Dù từ đầu năm nay, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động song một số công ty hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ; sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ.  

Chuyên gia đề nghị thành lập Quỹ tín dụng “từ thiện”

Bất chấp sự truy quét song do nhu cầu vốn của người dân vẫn rất lớn nên tín dụng đen tiếp tục len lỏi và ngày càng diễn biến phức tạp. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên nghiên cứu mô hình quỹ tín dụng từ thiện.    

Cụ thể, các quỹ được lập ra trên cơ chế bảo toàn vốn và lợi nhuận thấp. Quỹ dành cho những người thích làm từ thiện đầu tư, gửi tiền vào giúp đỡ người lao động, phụ nữ, nông dân và những đối tượng gặp khó khăn. Mô hình cho vay này không lập ra để cạnh tranh với tín dụng ngân hàng, nhưng lại góp phần giúp đáng kể cung cấp nguồn tín dụng. Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quỹ tín dụng từ thiện.

Tại một số quốc gia phát triển, nơi các tỷ phú, những người thích làm từ thiện đầu tư vào làm từ thiện nhưng vẫn bảo toàn vốn, cho người nghèo, đối tượng gặp khó khăn vay với lãi suất thấp. Do nhu cầu tín dụng trên thị trường đa dạng, không có mẫu số chung cho giải pháp và cần đa dạng hình thức khác nhau.

Sẽ trình Chính phủ Nghị định về sandbox vào tháng 12/2021

Báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, hiện nay, có khoảng trên 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng... Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng.

Mặc dù vậy, đại diện các fintech cho hay vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc do thiếu hành lang pháp lý và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến trung gian thanh toán như Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending), Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/09/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Luật Giao dịch điện tử…

Liên quan đến đề xuất của các trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trên cơ sở tạo thuận lợi cho các trung gian thanh toán, đồng thời đảm bảo được rủi ro, an toàn hệ thống.

Dự kiến, tháng 12/2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ nghị định về sandbox.

Hoạt động của ngân hàng thương mại tuần qua:  

* Ngân hàng quốc doanh sẽ sớm bứt tốc trở lại:

Các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước vừa trải qua quý kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, trong quý III, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng trưởng âm so với cùng kỳ; lợi nhuận của VietinBank chỉ tăng 5%; Vietcombank có mức tăng trưởng khá hơn (tăng 15%), song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của khối ngân hàng niêm yết.

Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia phân tích, thời kỳ “tụt hạng” của khối ngân hàng TMCP quốc doanh đã chấm dứt. Các ngân hàng này sẽ bứt tốc trở lại từ quý IV/2021 nhờ nhiều yếu tố, như áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng giảm bớt, được cấp thêm room tín dụng, bộ đệm dự phòng tốt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, áp lực dự phòng rủi ro giảm, kinh tế đang hồi phục hậu Covid-19 , tăng vốn thành công, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt…  

Theo dự báo của công ty chứng khoán MBKE, năm 2022, lợi nhuận của Vietcombank, BIDV, VietinBank có thể tăng 30-35%, nhờ các động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận vững chắc (tăng trưởng tín dụng, biên lợi nhuận, thu nhập từ phí) và việc giảm trích lập dự phòng.

*Eximbank lại sắp biến động nhân sự:

Eximbank vừa công bố dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.  Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) là ngày 24/11.

Số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Số lượng nhân sự Ban kiểm soát dự kiến bầu là 3 thành viên.

Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ngày 30/11/2021. Sau đó, Eximbank trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.

Gần đây, giá cổ phiếu EIB của Eximbank bật tăng khoảng 16% kể từ đầu tháng 11/2021 và là mã có tỷ suất sinh lời cao nhất nhì nhóm cổ phiếu "vua" trong một tháng trở lại đây. Thanh khoản của EIB cũng tăng đột biến khi gấp 2 - 3 lần giai đoạn trước đó.

Ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra sôi động trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có hơn 356 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng. Thị trường xuất hiện tin đồng cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC (Nhật Bản) sẽ chuyển nhượng 15% cổ phần tại EIB cho một đối tác trong nước là DOJI song DOJI đã bác bỏ thông tin này.

 *BAOVIET Bank lợi nhuận 9 tháng tăng gấp đôi

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với các con số đáng ngạc nhiên.

Theo đó, tín dụng đảo chiều mạnh tăng mạnh quý 3/2021 (tín dụng tính tới cuối tháng 6 âm 5,5% nhưng tới cuối tháng 9/2021 tăng 12,1%). Tuy vậy, thu nhập lãi thuần quý 3 của ngân hàng sụt giảm tới  91% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, riêng lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng tới 9,2 lần, chiếm 2/3 tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.  

Nhờ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nên tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt 28,8 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, riêng lợi nhuận quý 3 của ngân hàng đã cao gấp 1,7 lần lợi nhuận cả 6 tháng đầu năm.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 45,7 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

*Lãnh đạo NCB tạm dừng bán ra 3,3 triệu cổ phiếu

Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Phạm Thế Hiệp, Ủy viên HĐQT của Ngân hàng Quốc dân (NCB - Mã: NVB) đã tạm dừng việc bán ra 3,3 triệu cổ phiếu NCB bằng phương thức thoả thuận như đã đăng ký trước đó, vì lý do cá nhân.

Trước đó, ông Hiệp đã đăng ký bán 3,3 triệu cổ phiếu NVB, giao dịch được dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 8/11 - 30/11.

Số cổ phiếu NCB mà ông Hiệp sở hữu hiện vẫn là 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,06% vốn điều lệ NCB.

Tin liên quan
Tin khác