Anh Duy chia sẻ, dù ở cách tâm chấn hơn 70 km nhưng mọi người cảm nhận rất rõ ràng. Ảnh: Giang Huy. |
Trưa 28/4, đoàn công tác 10 người của Hội chữ thập đỏ Việt Nam mắc kẹt ở Nepal do động đất đã về đến sân bay Nội Bài an toàn. Đoàn sang đây từ ngày 19/4 để học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất của Nepal. Họ dự định về nước hôm 26/4 nhưng bị mắc kẹt lại do trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển đất nước này một ngày trước đó.
Mệt mỏi sau chặng bay dài, anh Nguyễn Xuân Duy, 43 tuổi, điều phối viên của Hội chữ thập đỏ Nauy tại Việt Nam cho biết "Đúng lúc Hội chữ thập đỏ Nepal định dẫn các thành viên đi xem diễn tập ứng phó động đất thì thảm họa xảy ra thật. Cả đoàn từ người quan sát trở thành diễn viên thực hành và thoát chết trong gang tấc".
Dù cách tâm chấn khoảng 70 km nhưng anh cảm nhận được sự rung chuyển, mọi thứ xô nghiêng, "nhào qua nhào lại như bị ai đó đấm". Vài giây đầu tiên, anh không biết có chuyện gì xảy ra, sau thấy rung lắc dữ dội mới biết là có động đất.
Mọi người lúc đó đang đứng trong sảnh khách sạn hoảng loạn, xô nhau chạy ra ngoài. Một số người thì sợ hãi chui xuống gầm bàn la hét. Anh Duy ôm đầu chạy ra khỏi sảnh thì thấy rất nhiều người nước ngoài lẫn dân bản địa tập trung ở bãi đất trống.
"Cứ khoảng 20 phút lại có một cơn dư chấn. Mỗi lần cảm giác mặt đất rung rung là mọi người lại hoảng loạn, la hét và chạy tìm chỗ đứng an toàn hơn. Ngày đầu tiên sau thảm họa, ai nấy đều căng thẳng. Điện mất, mạng sập, không có cách nào để liên lạc được với người thân", anh cho biết.
Khách nước ngoài vạ vật ở sân bay để rời Nepal. Ảnh: N.D. |
Đến trưa ngày 26/4, khi cả đoàn vừa ăn cơm xong thì chủ khách sạn thông báo là sẽ có một trận động đất nên không cho thuê phòng. Họ không kịp thu tiền mà vội vàng khóa cửa di tản đi nơi khác. Theo anh Duy, khắp nơi là cảnh đổ nát. Nhiều người trải chăn, chiếu nằm la liệt trên đường.
Đoàn công tác của Hội chữ thập đỏ Việt Nam cố gắng tìm cách liên lạc với người thân ở quê nhà để thông báo tình hình nhưng Iternet chập chờn. Hội chữ thập đỏ Nepal gọi điện xin lỗi vì việc cứu trợ của họ cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Hơn 1.000 nhân viên chữ thập đỏ làm việc không ngơi nghỉ trong khi người dân vẫn đang tìm đến để được trợ giúp về đồ ăn, nước uống.
Anh Duy cho hay theo lịch đã định trước, cả đoàn sau đó ra sân bay Tribhuvan để rời khỏi Nepal. "Khi tới sân bay, chúng tôi thấy hàng vạn người đã tập trung ở đây. Ai chưa tìm kiếm được vé máy bay thì ngồi vạ vật ở phía ngoài, không dám vào trong đợi vì sợ động đất lại xảy ra. Phía ngoài sân bay trở thành một bãi cắm trại khổng lồ", anh Duy thuật lại.
Tối 26/4, đoàn Việt Nam vào phòng chờ thì máy bay lại không thể hạ cánh được do sân bay không có chỗ đậu. Thời gian chờ đợi căng thẳng lại tiếp tục.
"Nhiều người không có vé nhưng vẫn ra sân bay hy vọng mua được vé nhưng cả sân bay chỉ còn hơn 10 nhân viên phục vụ. Toàn bộ thông tin các chuyến bay, giờ bay đều không có người cung cấp, khách phải tự lo liệu hết", anh kể và cho hay mọi người giúp đỡ, chia sẻ thông tin cho nhau. Dù đông nghịt người nhưng tình trạng hỗn loạn không xảy ra. Toàn bộ cửa hàng trong sân bay đóng cửa, chỉ còn một tiệm nhỏ bán đồ ăn, thực phẩm, nước uống cho hàng nghìn người xếp hàng chờ đợi.
Việc ăn uống cũng là vấn đề nan giải. May mắn là trước khi đi, các thành viên trong đoàn đều mang theo mì tôm, bánh, sữa. Nhưng lo lắng vì sẽ phải chờ đợi ở sân bay nhiều ngày liên tục nên họ mua thêm bim bim, nước uống để dự trữ. "Anh em còn mang theo một chiếc ấm điện nhỏ để đun nước nóng. Chúng tôi tìm thấy một ổ điện và dồn các chai nước uống dở để đun nước sôi pha mì tôm, sữa", anh Duy kể.
Sau hơn một ngày chờ đợi ở sân bay, đến 20h ngày 27/4, đoàn lên được chuyến bay về Quảng Châu (Trung Quốc), từ đó về Hà Nội. "Đặt chân được xuống sân bay Nội Bài thì tôi mới dám tin là mình an toàn trở về", một thành viên trong đoàn chia sẻ.
Rời khỏi vùng thảm họa, anh Duy thấy mình có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Anh chia sẻ kinh nghiệm, nếu đi xa vài ngày trở lên nên mua thêm một gói 3G và sử dụng mạng có độ bao phủ mạnh nhất. Theo anh nên mang theo thực phẩm, đồ ăn. "Không ai mong muốn động đất, thảm họa xảy ra nhưng nếu xảy ra mà không có sự trợ giúp ngay từ bên ngoài thì mình vẫn có thể tự lo liệu được trong vài ngày", anh nói.
Ảnh: Người nước ngoài vạ vật ở sân bay chờ rời Nepal
Vẫn còn một nhóm 5 người Việt đang mắc kẹt trên núi Namche (Nepal) Ngày 28/4, thông tin từ gia đình Đoàn Thị Diễm Chi, thành viên trong nhóm 5 người Việt đang mắc kẹt tại Nepal cho biết sáng nay các gia đình đồng loạt nhận được tin nhắn báo rằng họ vẫn đang bị mắc kẹt tại Namche (độ cao 3.440m). Tin nhắn có nội dung: "Bọn em đang ở Namche cách Kathmandu 3 ngày, 2 ngày đi bộ và 1 ngày từ Lukla về Kathmandu. Nhóm đã kiệt sức sau khi vật vã leo từ trên núi xuống khi có động đất. Đường xuống núi rất nguy hiểm và bị sạt lở trầm trọng. Bọn em đã tìm cách và gọi được đến Lãnh sự quán Việt Nam ở Ấn Độ và Đường dây nóng của bảo hiểm AIG để kêu cứu được giúp đỡ xuống núi nhanh nhất, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa nhận được giúp đỡ. Chúng em tạm thời không di chuyển nữa". Sau khi nhận được tin nhắn, gia đình xác định được tọa độ qua Apple ID của Diễm Chi như trong hình, kết nối ở đó còn rất yếu và chưa ổn định. Gia đình rất lo lắng và mong các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm thành viên trong đoàn. Nhóm 5 người gồm: Nguyễn Thị Minh Châu, sinh ngày 22/10/1979. Lợi Hồng Thanh, sinh ngày 25/7/1987 Đoàn Thị Diễm Chi, sinh ngày 6/3/1985 Nguyễn Đình Tấn Vũ, sinh ngày 21/8/1991 Lưu Lê Minh Khải, sinh ngày 7/11/1980 Điện thoại Đoàn Thị Diễm Chi: 0097 9808988393 Điện thoại người phụ trách dẫn đoàn: 00977 9851023285 hoặc 0097 9841697827. |