Sự kín tiếng của Sendo.vn
Theo thông tin từ Tập đoàn FPT, sàn thương mại điện tử Sendo.vn thuộc sở hữu của Công ty cổ phần FPT Online, thành lập vào tháng 9/2012, đi theo mô hình B2B2C (doanh nghiệp - doanh nghiệp - khách hàng). Sendo.vn được cho là sàn đầu tiên kết nối ngân hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận trong thương mại điện tử vào thời điểm đó.
Tháng 5/2014, Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ được thành lập để quản lý sàn Sendo.vn. Hai tháng sau, Sen Đỏ mua lại sàn giao dịch theo mô hình C2C (khách hàng - khách hàng) là 123mua.vn của Công ty cổ phần VNG. Giá trị của thương vụ được cho là nằm trong khoảng 5,5 - 10 tỷ đồng.
Chiến lược sắp tới của Sendo.vn là tập trung vào di động. Ảnh: Phi Vũ |
Vào thời điểm được mua lại, 123mua.vn được bình chọn là 1 trong 5 website thương mại điện tử có uy tín trong nước với 5-6 triệu lượt truy cập với khoảng 80.000 sản phẩm đăng bán trên đây, chủ yếu là các mặt hàng thời trang và công nghệ.
Với sự hỗ trợ từ các sản phẩm, dịch vụ của FPT Online, điển hình là trang tin VnExpress, một kênh dẫn người mua đến Sendo.vn khá lớn với chi phí ưu đãi vì là người cùng một nhà, cộng với việc sở hữu cả hai sàn thương mại điện tử có uy tín, Sendo.vn thời điểm đó được cho là ứng cử viên sáng giá đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua giành thị phần trên lĩnh vực thương mại điện tử.
5 tháng sau, Sen Đỏ được rót thêm vốn đầu tư của Nhật, tách ra khởi FPT Online và trở thành công ty liên doanh với ba đối tác Nhật Bản là SBI Holdings, eContext ASIA và BEENOS với số vốn khoảng 6 triệu USD.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, các hoạt động của Sendo.vn trở nên khá thận trọng và im ắng trên thị trường. Phải đến tháng 7/2015, Công ty mới ra mắt phiên được bản Sendo.vn trên di động, Sendo App dù hai đối thủ là Lazada.vn và Zalora.vn đã làm điều này từ trước đó 2 năm.
Bên cạnh đó, việc tách ra khỏi FPT Online đã làm cho Sendo.vn không còn được hưởng những chính sách ưu đãi từ các sản phẩm, dịch vụ từ Công ty này như khi còn chung một nhà.
Vẫn còn cơ hội
Công bằng mà nói, hai năm qua là thời gian tập trung hoàn thiện quy trình và mở rộng ngành hàng của các sàn thương mại điện tử trong nước như Sendo.vn và Tiki.vn vì yếu về vốn. Nhưng, việc được công bố đầu tư mới từ VNG của Tiki.vn đã buộc Sendo.vn phải lên tiếng.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Sen Đỏ khẳng định rằng, cơ hội của Sendo.vn vẫn còn khi được hỏi về tương lai của Công ty trong thời gian tới. Nhìn chung có 3 yếu tố để khẳng định Sendo sẽ tồn tại.
Thứ nhất, việc các doanh nghiệp cùng ngành nhận được đầu tư cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, ngay từ những ngày đầu tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các cổ đông Sendo.vn xác định đây là cuộc chơi dài hạn và cần đầu tư lớn. Trong 4 năm hoạt động, Sendo.vn đã tăng vốn hai lần, nhưng không công bố cụ thể trước giới truyền thông.
Không chia sẻ con số cụ thể, nhưng ông Dũng cho biết Công ty vừa hoàn thành vòng tăng vốn từ các cổ đông nội bộ với số vốn đầu tư tăng lên gấp đôi. Thậm chí, ông Dũng khẳng định, Công ty sẽ luôn nhận được nguồn vốn cần thiết nếu giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh.
Thứ hai, Sendo.vn đầu tư thương mại điện tử theo một hướng riêng biệt, đó là phục vụ kết nối thông tin dành cho người bán vừa và nhỏ. Theo đó, Công ty sẽ đảm nhận việc kết nối người bán, người mua, nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, thanh toán uy tín và có các biện pháp chế tài phù hợp.
Chính vì thế, cho đến nay, Sendo.vn gần như không đầu tư vào kho bãi để lưu trữ hàng hóa hay đội ngũ giao nhận chuyện nghiệp. Điều này dẫn đến vốn đầu tư cũng vì thế giảm đi đáng kể.
“Các doanh nghiệp đầu tư kho vận, đội ngũ vận chuyển cần 10 đồng để vận hành thì Sendo.vn cần ít hơn.”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, do chỉ tập trung vào việc kết nối thông tin, nên ông Dũng khẳng định, Sendo.vn là sàn thương mại điện tử có lượng hàng hóa phong phú nhất trên thị trường hiện nay.
Không chia sẻ về lượng đơn hàng phát sinh trong tháng, Ông Dũng cho biết, hiện Sendo.vn có hơn 10 triệu lượt truy cập một tháng, tỷ lệ khiếu nại dưới 2%. Hiện có khoảng 80.000 cửa hàng đang kinh doanh với hơn 3 triệu sản phẩm thuộc 14 ngành hàng khác nhau.
Chiến lược sắp tới của Công ty là tập trung vào di động. Sau hơn 3 tháng ra mắt, Sendo App nằm ở vị trí thứ hai trong top 5 ứng dụng mua sắm được cài đặt nhiều nhất tại Apps Store.
Tháng 12/2015, Sendo.vn đã kết hợp với Bộ Công thương tổ chức ngày Mua sắm trực tuyến Online Friday 4/12 và đạt số lượng đơn hàng gấp 10 lần ngày thường, gấp 6 lần so với ngày này năm ngoái.
Hiện, lượng truy cập từ di động đã tăng gấp 3 lần so với bản chính, doanh thu đến từ kênh này chiếm khoảng 40%.
Thứ ba là, các đối tác Nhât Bản của Sendo.vn đều là những đơn vị có kinh nghiệm và mối quan hệ trong giới thương mại điện tử, như SBI Holdings là Công ty tách ra từ bộ phận đầu tư của SoftBank, eContext ASIA là Công ty con của đơn vị thanh toán điện tử lớn nhất Nhật Bản. Cuối cùng, BEENOS là một đơn vị có kinh nghiệm đầu tư thương mại điện tử ở khu vực châu Á.
“Sendo.vn sẽ không từ bỏ sân chơi thương mại điện tử”, ông Dũng nói.
Trước việc nhiều doanh nghiệp trong ngành nhận được vốn mới, ông Dũng cho rằng, đó là tin vui, nhưng bảo ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới thì chưa hẳn.
Bởi, hiện tổng doanh thu từ thương mại điện tử Việt Nam, theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) là khoảng 3% doanh thu toàn ngành bán lẻ, thậm chí là thấp hơn 2% theo các báo cáo của nước ngoài. Ở các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ này là 10%. Do vậy, ông Dũng cho rằng, cần ít nhất 5 năm nữa thương mại điện tử Việt Nam mới đạt được tỷ lệ này.
Cũng cần phải nói thêm, thị trường Việt Nam ngày càng mở cửa, nhiều nước sẽ tận dụng các kênh thương mại truyển thống lẫn trực tuyến để đưa hàng vào Việt Nam. Nên nếu Alibaba đã đầu tư vào Lazada.vn, thì hẳn cũng sẽ có doanh nghiệp các nước khác muốn đầu tư vào Sendo.vn. Chính vì thế, không khó hiểu khi ông Dũng khá lạc quan về tương lai của sàn này.