Khánh du lịch rừng tràm Trà sư |
Nhu cầu “lò xo bật nén”
Tại buổi công bố kết quả khảo sát nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19 (thực hiện từ ngày 1/12 đến 20/12/2021 với 10.717 người), ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thông tin, gần 90% số người được khảo sát cho biết, họ muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới. Trong đó, 27% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong tháng đầu, chỉ 3% du khách muốn đợi “thẻ xanh Covid-19” mới đi du lịch.
Nhấn mạnh, nhu cầu đi du lịch đang như “lò xo bật nén”, song ông Chính cũng cho biết: “Du khách Việt không chủ quan với bệnh dịch. Có đến 55,5% và 50,7% số người tham gia khảo sát trả lời, an toàn dịch bệnh và giá tương xứng với chất lượng là những yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định đi du lịch của mình.
Điều khiến du khách lo ngại nhất khi đi du lịch là bị cách ly khi đến hoặc khi quay về nhà (86,8%); tiếp đó là lo ngại bùng phát dịch (60,7%) và những quy định hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (53,4%).
So với du khách ở các tỉnh, thành phố khác, khách ở Hà Nội và TP.HCM mong muốn có chính sách linh hoạt cho thay đổi hoặc hủy bỏ dịch vụ nhiều hơn (tỷ lệ lần lượt là 37% và 34%). Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, với du khách, thông tin đầy đủ (21%), chứng nhận an toàn (14%) quan trọng hơn cả điểm đến và sản phẩm du lịch mới.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, du khách nhận biết điểm đến chủ yếu thông qua mạng xã hội (56%), báo điện tử, trang web (42%) và công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến (41%). Rất ít người trả lời nhận biết điểm đến thông qua hội chợ, sự kiện du lịch (3%), biển quảng cáo (1%) và tờ rơi, tập gấp (1%).
“Kết quả này phản ánh, tiếp thị truyền thống đã giảm bớt vai trò và không còn hiệu quả, tiếp thị số đang giữ vai trò chủ đạo. Đặc biệt, tiếp thị truyền miệng (qua người thân, bạn bè, chiếm 43%) vẫn giữ vai trò quan trọng”, ông Chính nhấn mạnh.
Thích ứng an toàn
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, đi du lịch bằng máy bay và xe riêng là lựa chọn ưu tiên với 65% du khách, nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung khác đều giảm. Đại dịch khiến du khách Việt Nam ưa chuộng du lịch ngắn ngày và nhóm nhỏ, khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2 - 3 ngày; 78% chọn đi theo nhóm gia đình hoặc nhóm bạn bè.
Trước đó, xu hướng đi du lịch ngắn ngày cũng được thể hiện rõ qua 3 cuộc khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và TAB trong các giai đoạn tháng 9/2020 (3,9 ngày), tháng 3/2021 (3,9 ngày). Kết quả của cuộc khảo sát tháng 12/2021 cho thấy tín hiệu tích cực so với 2 cuộc khảo sát trước, khi độ dài trung bình của chuyến đi đã kéo dài hơn với 4,1 ngày.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định, đây là cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3 - 4 giờ đi xe ô tô tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Từ kết quả của các cuộc khảo sát, Ban IV và TAB đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP, tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”; đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng Nghị quyết số 128/NQ-CP, không đưa ra những quy định riêng; cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, cư trú... và chú trọng đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập.
Ban IV và TAB cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương cung cấp 1 đường dây nóng để hỗ trợ quá trình phổ biến thông tin, giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt chi tiết khi lên các kế hoạch di chuyển, từ đó nâng cao hiệu quả và ý thức tuân thủ, chấp hành.
Cùng với đó, đơn vị thực hiện khảo sát đề xuất Chính phủ quan tâm, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch ở cả 3 cấp độ (trung ương, địa phương và doanh nghiệp) để đảm bảo sự kết nối và đồng bộ trong quá trình phục hồi.
Đặc biệt, Ban IV và TAB đề xuất Chính phủ ưu tiên thực hiện hoạt động đối thoại công - tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản cùng kế hoạch phục hồi du lịch, trước hết trong giai đoạn 2022 - 2023. Trên cơ sở đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố công khai các kế hoạch, thường xuyên cập nhật kế hoạch theo diễn biến của thực tiễn để các bên cùng phối hợp thực hiện hiệu quả.