Xuất khẩu thủy sản mang về 8,5 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 38% và đang tiến sát mốc mục tiêu 10 tỷ USD. |
Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối của năm 2022, Bộ Công thương cho biết: "Tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại, nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới".
Dịch Covid -19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm.
Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Số liệu của Bộ Công thương, dù sản xuất kinh doanh trong điều kiện còn không ít bất ổn, do những tác động của tình hình kinh tế toàn cầu, giá nguyên nhiên liệu tăng cao, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, nhưng trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.\
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch 243 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Tín hiệu tích cực là xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao tại các thị trường lớn, trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, dù xuất khẩu đang chịu tác động lớn từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhưng 9 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường này đạt mức tăng thấp nhất trong số các thị trường lớn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với khu vực thị trường EU, nhờ tận dụng lợi thế từ EVFTA và Việt Nam ngày càng khẳng định là mắt xích cung ứng hàng hóa lớn trong chuỗi sản xuất, các nhà nhập khẩu EU đã nhập từ Việt Nam 35,7 tỷ USD hàng hóa, tăng 23,8%, xuất siêu sang EU đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc 9 tháng đạt 18,9 tỷ USD, tăng 18,3% ...
Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Tại thời điểm này, các ngành sản xuất lớn đang dồn lực để duy trì sản lượng, hoàn thành các đơn hàng cuối năm đúng hẹn với các đối tác.
Trước những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước, doanh nghiệp đang thận trọng nghe ngóng, phân tích nhu cầu thị trường để điều kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tránh tổn thất do biến động không mong muốn mang lại.
Về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn.
Tuy vậy, những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu, giá đầu vào nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng có thể hạn chế khả năng duy trì thặng dư cán cân thương mại do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn.