Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, trong ngày Chủ nhật, 27/12, hệ thống điện đã phải cắt giảm huy động khoảng 3.000 MW điện mặt trời do nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước ở mức thấp.
Cụ thể, công suất tiêu thụ điện (thường gọi là phụ tải) lúc 13h00 ngày 27/12/2020 của hệ thống chỉ là 20.595 MW. So với tổng công suất nguồn điện hiện có là khoảng 65.000 MW thì công suất huy động tới 1/3 công suất nguồn điện hiện có.
Thực tế tiêu thụ điện thấp này cũng khiến nhiều nguồn điện khả dụng (sẵn sàng hoạt động được) đã không được phát điện. Trong đó đáng chú ý là nguồn điện mặt trời đã bị cắt giảm khoảng 3.000 MW.
Trước đó, thứ 7, ngày 26/12/2020, phụ tải của hệ thống cũng khá thấp, khiến nguồn điện mặt trời cũng bị cắt giảm khoảng 2.000 MW, bên cạnh việc dừng dự phòng hàng loạt tổ máy nhiệt điện khí.
Vào 18h00 ngày 27/12/2020, phụ tải lên cao nhất trong ngày với mức 31.157 MW nhưng sau đó cũng giảm dần và dao động quanh mức 21.000 - 22.000 MW.
Nhiều nhà máy điện mặt trời phải dừng phát do nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh dip cuối tuần |
Số liệu của ngành điện cho thấy, cả nước hiện có khoảng 7.000 MW công suất điện mặt trời quy mô lớn được lắp đặt. Ngoài ra, còn có 86.003 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất là khoảng 4.400 MW đã nối lưới quốc gia. Nghĩa là đang có hơn 10.000 MW điện mặt trời trên hệ thống.
Tuy nhiên bởi tính chất không ổn định của điện mặt trời trong vận hành hệ thống nên nguồn điện này sẽ chỉ được huy động ở mức nhất định để đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn.
Thực tế “thừa điện” nhất là dịp cuối tuần như hiện nay cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đối mặt với việc nguồn thu từ bán điện không như dự tính ban đầu.