Lãi suất cho vay giảm
Do ảnh hưởng của bão Yagi, các ngân hàng đưa ra chính sách giảm lãi vay 0,5-2%/năm cho cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía Bắc.
Cụ thể, VPBank giảm trực tiếp lãi suất cho vay với tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu và tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn được giảm 1%, ngắn hạn hạ 0,5%. Chính sách này áp dụng từ ngày 13/9 đến hết năm nay tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...
Tại TPBank, nhà băng này giảm tối đa 50% số tiền lãi cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng của bão, lũ đến hết tháng 1 năm sau.
BVBank cũng gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng hiện hữu thiệt hại do bão lũ.
Trong khi đó, Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất - kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6/9 đến hết năm nay…
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp khá mạnh tay để đẩy mạnh tín dụng trong các tháng cuối năm 2024, trong đó đáng kể nhất là việc “ưu ái” cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng cao. Theo đó, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.
Tín dụng có tăng cao dịp cuối năm?
Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu, tiêu dùng nội địa chưa hồi phục.
Bà Diễm cho hay, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro, nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay. Đồng thời, thu nhập người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá hợp lý chưa đáp ứng được. Vả lại, các công ty, dự án bất động sản còn khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng…
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bà Diễm cho rằng, ngành ngân hàng cần tiếp tục giảm chi phí vốn, mặt bằng lãi suất cho vay, tinh gọn quy trình, thủ tục trong cấp phát tín dụng. Cùng với đó, ngân hàng cần tăng các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, ngành nghề để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ.
Phó chủ tịch Sacombank kiến nghị Chính phủ duy trì chính sách tài khóa mở rộng, nhằm tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Các giải pháp giảm thuế, phí sẽ hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế. Các tổ chức trung gian thanh toán giảm phí để cùng ngân hàng miễn phí cho người dùng
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, khả năng trong những tháng cuối năm, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần, bởi thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm tăng cao hơn nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỷ đồng. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hệ thống sẽ phải đẩy ra lượng vốn còn lại 1,135 triệu tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm - một thách thức lớn đối với ngành ngân hàng.
Mới đây, Công ty Chứng khoán VCBS cũng dự báo, nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. Theo VCBS, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 dự kiến đạt 14%. Những động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản - sản xuất - đầu tư công, cho vay bán lẻ, chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động cho vay tái thiết sau bão.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% so với cuối năm 2023, cao hơn so với cùng kỳ (5,73%), song vẫn thấp hơn chỉ tiêu giao đầu năm (15%).
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, với tốc độ tăng trưởng cũng như xu hướng chung của nền kinh tế, có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 15%. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, chứ không phải con số áp đặt và quan trọng là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.