Sức khỏe doanh nghiệp
Nhựa Bình Minh gặp áp lực thị phần
Duy Bắc - 30/09/2024 09:59
Kinh doanh gặp khó và chịu tác động mất thị phần vào đối thủ cạnh tranh, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) báo cáo kết quả kinh doanh đi lùi trong nửa đầu năm 2024.

Trái chiều giá cổ phiếu và tình hình kinh doanh

Sau khi Nawaplastic Industries (Thái Lan) nâng sở hữu lên 54,99% vốn điều lệ và trở thành công ty mẹ, bên cạnh việc bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo cấp cao, Nhựa Bình Minh liên tục duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn khi dùng phần lớn lợi nhuận chia hết cho cổ đông.

Theo lịch sử trả cổ tức tiền mặt, năm 2019 Nhựa Bình Minh trả tỷ lệ 50%, năm 2020 trả 63,2%, năm 2021 trả 26%, năm 2022 trả 84% và năm 2023 trả tới 126%. Trong đó, năm 2021 trả tổng cộng 99,3% tổng lợi nhuận kiếm được cho cổ đông; năm 2022 trả 99% tổng lợi nhuận kiếm được cho cổ đông; năm 2023 trả 99% tổng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông.

Việc phân phối gần như toàn bộ lợi nhuận kiếm được cho cổ đông trong ngắn hạn giúp Nawaplastic Industries thu về số tiền lớn nhờ nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu. Tuy nhiên, nhược điểm là doanh nghiệp không bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển.

Chủ yếu chia cổ tức cho cổ đông mà không có hoạt động đầu tư nào đáng kể, đồng thời chịu ảnh hưởng gián tiếp từ thị trường bất động sản dẫn tới nhu cầu tiêu thụ nhựa suy giảm, Nhựa Bình Minh đã báo cáo kết quả kinh doanh đi lùi. Nửa đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu giảm 22,3%, về 2.156,05 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 18,3%, về 470,18 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 40,6%, lên 43,2%.

Nhìn rộng ra từ năm 2019 tới 2023, ngoại trừ năm 2021 Nhựa Bình Minh ghi nhận lãi giảm 59%, về 214,38 tỷ đồng, nhưng rất nhanh chóng, lợi nhuận tăng 223,9% trong năm 2022, lên 694,3 tỷ đồng và năm 2023 tăng thêm 49,9%, lên 1.041 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận của Nhựa Bình Minh đi lùi, nhưng từ ngày 19/12/2023 đến 20/9/2024, giá cổ phiếu BMP đã tăng 46,3%, từ 83.780 lên 122.600 đồng/cổ phiếu. Một số nhà đầu tư nhận định, cổ phiếu tăng giá chủ yếu do Công ty thông qua kế hoạch cổ tức hấp dẫn năm 2023 lên tới 126%, thu hút nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu theo trường phái đầu tư giá trị, hơn là kỳ vọng kết quả kinh doanh.

Nỗi lo thị phần trên đà lao dốc

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh đi lùi. Một trong số đó liên quan tới việc Công ty có dấu hiệu mất thị phần vào tay đối thủ cạnh tranh. Theo dữ liệu, Nhựa Bình Minh duy trì thị phần 28% trong năm 2021 và 2022; giảm về 27% năm 2023; tiếp tục giảm về 23% nửa đầu năm 2024.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, việc suy giảm thị phần là điều có thể lường trước khi Công ty ưu tiên duy trì hiệu quả sinh lời ở mức cao nhằm gia tăng cổ tức tiền mặt, khiến chính sách chiết khấu kém cạnh tranh hơn.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV, nửa đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh đạt 35.400 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ. Ngược lại, sản lượng của đối thủ cùng ngành là Nhựa Tiền Phong ước tăng từ 4% đến 6%. Chính sách duy trì giá bán cao khiến Nhựa Bình Minh mất thị phần và dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2025 giảm tiếp 10%.

Ông Sakchai Patiparnpreechavud, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Về thị phần thu hẹp, để khắc phục, Công ty đã và đang đưa ra sản phẩm mới, đi vào phân khúc thị trường tiềm năng”.

Tin liên quan
Tin khác