Sau 6 năm kể từ khi khánh thành cầu Nà Ui - cây cầu số 3 trong chương trình “Cầu nối yêu thương”, Nhựa Tiền Phong đã quay trở lại thăm và tu dưỡng lại cây cầu cho bà con.
Cầu treo dân sinh bắc qua con suối nối liền bản Nà Ui với xã Nậm Sỏ. Ảnh: Thanh Tân |
Xã Nậm Sỏ có 22 bản, với gần 1.500 hộ dân, 8.000 nhân khẩu là nơi tập trung sinh sống của bà con dân tộc: Thái, Mông, Dao, Kinh, Khơ Me. Tỷ lệ dân tộc Thái chiếm đa số. Trong đó, bản Nà Ui là bản khó khăn nhất của xã Nậm Sỏ, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mùa mưa lũ, bản Nà Ui thường xuyên bị chia cắt, cô lập, sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn do nước lũ dâng cao.
Nhớ lại hồi cuối năm 2017, muốn đến với bản Nà Ui xa xôi của xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu, bắt buộc bà con phải đi qua con sông sâu bằng một tấm bè được người dân đan đơn sơ để thuận tiện di chuyển mỗi khi nước lên. Những ngày mùa đông buốt giá, các em nhỏ của bản vẫn phải đi qua chiếc bè đầy nguy hiểm để tới trường dù bị ướt lạnh quần áo, hay thậm chí là trượt chân xuống sông. Trước đây, người dân cũng tự làm những cây cầu tạm nhưng mỗi khi lũ về, nước dâng cao cuốn trôi cây cầu, cuốn trôi cả kết nối mong manh giữa bản Nà Ui và trung tâm xã, khiến cho 117 hộ dân bản Nà Ui gần như bị cô lập.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, chương trình Cầu nối yêu thương của công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã tặng cho người dân của bản Nà Ui một cây cầu treo mới, chắc chắn.
Và khi đoàn công tác của Nhựa Tiền Phong quay trở lại vào ngày 11/1/2024 vừa qua, cây cầu vẫn vậy, một màu xanh thân thuộc đứng vững chắc trước dòng nước xiết để người dân tấp nập đi qua nhưng cuộc sống nơi đây nay đã thay đổi, dần dần khởi sắc, từng bước thoát nghèo và ổn định hơn trước. Các em nhỏ ngày nào của điểm trường Mầm non và Tiểu học Nậm Sỏ nay đã lớn hơn và đi ra ngoài huyện để học tập.
Nhựa Tiền Phong trao tặng 100 chiếc áo ấm cho toàn bộ học sinh điểm trường Nà Ui |
Gặp lại các em trong chương trình do Nhựa Tiền Phong tổ chức cho toàn thể học sinh của điểm trường Nà Ui nhân dịp năm mới, đoàn công tác của Nhựa Tiền Phong không khỏi xúc động khi thấy các em với khuôn mặt sáng ngời đã có thành tích tốt trong học tập và trở thành các anh chị lớn chững chạc, biết giúp đỡ các em nhỏ.
Các em học sinh mặc áo do Nhựa Tiền Phong trao tặng |
Trong chương trình Tết “Xuân về bản Nà Ui” lần này, các em nhỏ đã có cơ hội tìm hiểu thêm về Tết cổ truyền dân tộc qua nhiều trò chơi giao lưu thú vị. Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong cũng đã trao tặng 100 chiếc áo ấm cho các em học sinh toàn trường để có thể phần nào bớt được cái lạnh giá của mùa đông, qua đó mang lại những kỷ niệm tuổi thơ đầy yêu thương cho các em trước thềm Xuân mới.
Tham gia chương trình Tết “Xuân về bản Nà Ui”, anh Lò Văn Lôi hào hứng chia sẻ: “Cuộc đời tôi lần đầu được tham gia lễ hội Tết vui đến thế. Lâu lắm rồi bản tôi mới được tổ chức một chương trình hoành tráng như vậy. Có lẽ tôi sẽ mãi nhớ về ngày này, Xuân năm nay thật đặc biệt”.
Một số hoạt động tại chương trình Xuân về bản Nà Ui |
Tại chương trình, người dân bản Nà Ui đã cùng nhau hoan ca ngân nga những ca khúc về núi rừng, tham gia những điệu nhảy dân tộc như nhảy sạp, múa xòe và cùng nắm tay nhau nhảy quanh lửa trại đã tạo những hình ảnh đẹp, mang đậm nét văn hóa cộng đồng. Những tiếng cười vang, tiếng lửa reo vui tí tách bập bùng, tiếng giòn giã của cồng chiêng và những ánh sáng lấp lánh của bông pháo đã dâng lên những cảm xúc đặc biệt trong lòng người dân, cũng như của đoàn công tác Nhựa Tiền Phong.
Chứng kiến sự hạnh phúc của người dân bản, UV. BCH đảng bộ huyện Tân Uyên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nậm Sỏ Chu Văn Thanh chia sẻ: “Cuộc sống ở miền núi còn nhiều thiếu thốn nên nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân, nhất là Nhựa Tiền Phong là rất đáng quý. Trước đây, Nhựa Tiền Phong đã tặng cây cầu vững chắc đã là niềm vui khôn xiết cho người dân vì đó là niềm mong mỏi từ rất lâu rồi, nay sau 6 năm Nhựa Tiền Phong lại tiếp tục quay lại tu dưỡng cây cầu và tổ chức chương trình Tết với nhiều quà tặng giá trị khiến chúng tôi cảm nhận được tình cảm đong đầy, sự quan tâm thực chất mà Nhựa Tiền Phong đã dành cho bà con nơi đây”.
Những tiếng cười vang, nét mặt rạng rỡ của bà con bản Nà Ui khi tham dự chương trình Xuân về bản Nà Ui do Nhựa Tiền Phong tổ chức |
“Thấy bà con vui mừng, phấn khởi, chúng tôi cũng không mong gì hơn. Sau 6 năm quay trở lại nơi đây, cảm xúc của tôi vẫn còn vẹn nguyên niềm vui cùng bà con khi cây cầu mơ ước thành hiện thực và giờ đây là trong chương trình Xuân mà Nhựa Tiền Phong dành tặng cho bà con. Thấy cuộc sống của bà con nay đã cải thiện, chúng tôi rất vui mừng vì hành trình Cầu nối yêu thương của Nhựa Tiền Phong thực sự có ý nghĩa và mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các thế hệ người dân trong bản”, ông Trần Ngọc Bảo, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ.
Cũng trong dịp này, Nhựa Tiền Phong đã tặng gần 150 suất quà cho toàn bộ người dân bản Nà Ui và 20 suất quà dành tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của bản để người dân đón Tết cổ truyền trong yên vui, đầm ấm và đủ đầy hơn.
Ông Trần Ngọc Bảo, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong trao tặng biểu trưng phần quà |
Nhựa Tiền Phong tặng 20 suất quà cho hộ dân khó khăn của bản Nà Ui với mong muốn mang Xuân mới ấm áp, đầy đủ cho bà con |
Ở chuyến đi này, đoàn công tác Nhựa Tiền Phong đã có dịp ngồi quây quần trong sự hoang vu, sương lạnh của vùng cao khi trở về chiều tối cùng với người dân bản Nà Ui khi cùng nhau gói bánh chưng để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Trên bản Nà Ui, bánh chưng cũng là loại bánh đặc trưng của Tết nhưng đối với người dân tộc Thái, bánh chưng không phải hình vuông mà là bánh chưng gù - tượng trưng cho con người sẽ được sống lâu trăm tuổi, gù như chiếc bánh.
Bà Lò Thị Tui đã gắn bó với bản Nà Ui từ tấm bé nhớ lại: “Người Thái cũng có tập tục gói bánh chưng vào cuối năm nhưng những dịp quấn túm như này là rất hiếm. Dịp này, có Nhựa Tiền Phong giúp đỡ, tổ chức Tết cho bà con, chúng tôi mới lại được cùng nhau làm như thế này. Chúng tôi thực sự thấy vui lắm, phấn khởi lắm”.
Có lẽ đúng là vậy kể từ khi cầu Nà Ui nối liền hai bên bờ, cuộc sống của người dân ở bản cũng khấm khá hơn, hộ nghèo của bản cũng giảm xuống chỉ còn 10 hộ. Tất cả bà con ở đây đều là người dân tộc Thái, quanh năm gắn bó với nghề trồng ngô trồng quế để mưu sinh, việc giao thương được thuận tiện hơn khi không cần phải chờ đến khi nước rút mới chở nông sản ra ngoài thị trấn nữa mà có thể ngay sau khi thu hoạch, khiến chất lượng hàng hóa cũng được đảm bảo hơn và do đó giá thu mua cũng tốt hơn trước. Bên cạnh đó, các em nhỏ đã tự chủ động đến trường vì không còn lo sợ khi đi qua dòng nước xiết khiến bố mẹ cũng yên tâm lên nương rẫy, dành nhiều thời gian hơn cho phát triển kinh tế, cuộc sống cũng thuận lợi hơn trước.
Mùa Xuân mới đã đến với những bông hoa mận trắng muốt, tô điểm thêm sự rạng rỡ cho bản Nà Ui. Trên cây cầu, tiếng em nhỏ vui vẻ cười đùa, tiếng nói rôm rả của người dân khi đi phiên chợ sáng báo hiệu một năm mới nhộn nhịp với nhiều niềm vui, thuận lợi và chắc chắn rằng người dân ở những khu vực được Nhựa Tiền Phong dành tặng cây “Cầu nối yêu thương” tại 25 tỉnh thành cũng đang hân hoan đón chào một năm mới 2024 tràn đầy hy vọng với nhiều điều tốt đẹp.
Kể từ năm 2017 tới nay, Nhựa Tiền Phong đã dành nhiều nguồn lực cho chương trình “Cầu nối yêu thương” đầy tính nhân văn của doanh nghiệp. Qua hơn 6 năm triển khai, gần 120 cây Cầu nối yêu thương đã được xây dựng tại các nơi hạ tầng giao thông khó khăn, ngân sách hạn chế của nhiều tỉnh trên cả nước từ miền núi phía Bắc đến miền Tây với kinh phí xây dựng hơn 200 tỷ đồng.