Nhắc tới ngành nhựa, nhiều người sẽ liên tưởng đến vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Nhưng tại Nhựa Tiền Phong, doanh nghiệp đang cung cấp ra thị trường 100.000 tấn nhựa mỗi năm, nhiều nhóm giải pháp đã được thực hiện để đảm bảo quá trình sản xuất xanh-sạch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta – Hành động của chúng ta” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thức, Phó tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết 4 nhóm giải pháp này bao gồm: Áp dụng hệ thống quản lý và tuân thủ quy định; công nghệ sản xuất hiện đại; tiết kiệm năng lượng và quản lý rác thải.
Cụ thể hơn, nhóm giải pháp thứ nhất là áp dụng hệ thống quản lý và tuân thủ quy định. Ngoài hệ thống quản lý ISO 9001, doanh nghiệp còn triển khai các hệ thống quản lý môi trường, năng lượng, hệ thống quản lý đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động.
Khi di chuyển sang mặt bằng mới, Nhựa Tiền Phong đã triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải và năm 2021 đã nâng cấp hệ thống. Đồng thời, công ty phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện quan trắc môi trường, kết hợp với trung tâm y tế môi trường lao động, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường lao động…
Ông Nguyễn Văn Thức, Phó tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong. Ảnh: Chí Cường. |
Nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào công nghệ sản xuất. Trong quá trình sản xuất nhựa, công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu cho tới cấp nguyên liệu cho đầu máy thường phát sinh phát thải vụn.
"Chúng tôi đã thành công trong giảm thiểu phát thải vụn bằng công nghệ tự động, áp dụng công nghệ vào các công đoạn sản xuất", ông Thức chia sẻ và cho biết thêm, Nhựa Tiền Phong đã mạnh dạn thay thế chất ổn định chì trong sản xuất PVC bằng chất ổn định kẽm và thiếc cho sản xuất ống và phụ tùng.
“Việc này tăng chi phí cho công ty nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Cần nhấn mạnh là việc sử dụng chất ổn định chì trong hạn mức nhất định là được phép tiến hành và các sản phẩm này vẫn đảm bảo an toàn với người dùng", ông Thức chia sẻ.
Nhóm giải pháp thứ ba là tiết kiệm năng lượng. Nhựa Tiền Phong đã đầu tư hệ thống đồng bộ, hiện đại tiêu chuẩn châu Âu, hướng tới giảm công suất sử dụng điện. Công ty lắp cảm ứng để kiểm soát áp thấp trong hệ thống khí nén, lắp bộ điều khiển điều tiết sử dụng điện của các thiết bị, sử dụng đèn led…
Một biện pháp nữa là sử dụng điện mặt trời áp mái. Ông Thức cho biết, năm 2022, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho 1 nhà máy và 2023 đang triển khai lắp đặt hệ thống lớn hơn. Kế hoạch năm 2024 sẽ tiếp tục lắp cho một nhà máy nữa.
Nhóm giải pháp thứ tư là quản lý rác thải, xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường. Theo đó, tất cả các bộ phận đều có phân loại rác thải tại nguồn. Ngoài ra, công ty cũng dành hơn 43.000 m2 cho cây xanh, thảm cỏ, tạo cảnh quan và giúp lọc khí bụi.
Trên chặng đường hướng tới phát triển bền vững, yếu tố trách nhiệm xã hội - cộng đồng là không thể tách rời. Ông Thức cho biết, kể từ năm 2017 tới nay, Nhựa Tiền Phong đã dành nhiều công sức và nguồn lực cho chương trình Cầu nối yêu thương. Mục tiêu của chương trình là xây được nhiều cây cầu tại các nơi hạ tầng giao thông khó khăn, ngân sách hạn chế, góp phần nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an toàn cho các em học sinh trên đường tới trường.
"Tới nay chúng tôi đã hoàn thành 115 cây cầu với chi phí hơn 200 tỷ đồng. Nhựa Tiền Phong hình thành từ phong trào kế hoạch nhỏ, bởi vậy chúng tôi luôn hướng tới tri ân cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ", đại diện Nhựa Tiền Phong khẳng định.