Tăng trưởng hai con số
Năm 2018, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là việc giá nguyên vật liệu đầu vào và tỷ giá USD/VND tăng, lợi nhuận hợp nhất không đạt kế hoạch đề ra và suy giảm so với năm 2017.
“2018 cũng là năm có nhiều biến động trong cơ cấu tổ chức và quản trị nội bộ của Nhựa Tiền Phong, nên có thể đây là giai đoạn chững lại cần thiết để doanh nghiệp tái cấu trúc nhằm tạo ra những động lực và là bệ phóng cho giai đoạn phát triển mới”, ông Chu Văn Phương, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong nhấn mạnh.
Dường như những nỗ lực trong việc “làm mới” từ bên trong của doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực tức thì. Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của Nhựa Tiền Phong trong quý I và II của năm 2019 đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.
Dây chuyền sản xuất ống HDPE 2000 có đường kinh lớn nhất Việt Nam hiện nay của Nhựa Tiền Phong. |
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2019 đạt hơn 71,62 tỷ đồng, tăng 77,59% và với quý II/2019 đạt 147,2 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ 2018. Lý giải cho sự tăng trưởng này, bên cạnh yếu tố giá nguyên liệu đầu vào giảm, doanh thu tăng, việc tiết giảm chi phí vận hành, quản lý đã giúp tăng lợi nhuận của công ty trong nửa đầu năm 2019.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Nhựa Tiền Phong đạt 2.489 tỷ đồng, tăng hơn 418 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2018. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu doanh thu năm 2019 là 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 8 - 10%; lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng là khả thi đối với công ty.
Nhựa Tiền Phong được vinh danh trong Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất năm 2018. |
Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong |
Việc tham gia vào thị trường chứng khoán cũng là sự khẳng định tính minh bạch trong quản trị của Nhựa Tiền Phong. Và một trong những điều đó là trách nhiệm minh bạch thông tin với cổ đông. Chúng tôi hiểu rõ, việc đảm bảo giữ vững nội lực kinh doanh gắn liền với yếu tố minh bạch thông tin sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu của công tác quản trị. Do đó năm 2019, Công ty đã quyết định thành lập Ban kiểm soát nội bộ để giám sát độc lập quy trình vận hành trong doanh nghiệp, đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, các cổ đông cũng đã nhất trí bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập, góp phần nâng cao giá trị minh bạch và hoàn thiện các hoạt động của Nhựa Tiền Phong.
Năm 2020 sẽ là cột mốc quan trọng, ghi dấu chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Nhựa Tiền Phong. Đây cũng là thời điểm chúng tôi tập trung các giải pháp và nguồn lực để chuyển sang mô hình hoạt động mới. Việc nâng vốn chủ sở hữu đang được Nhựa Tiền Phong thực hiện và hoàn tất trong năm 2019 sẽ là bước đi cần thiết để gia tăng nguồn lực tài chính, phục vụ cho sự phát triển của Công ty trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng những gì mà Nhựa Tiền Phong đã và đang triển khai sẽ tiếp tục được thị trường đón nhận cũng như nhận được sự tin tưởng của các Quý cổ đông.
Quãng nghỉ cần thiết
Theo dõi biểu đồ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2014 - 2018 của Nhựa Tiền Phong có thể thấy, quy mô doanh thu của Công ty vẫn có sự tăng trưởng và đứng đầu trong khối các doanh nghiệp nhựa xây dựng đã niêm yết. Tổng doanh thu thuần năm 2018 của Nhựa Tiền Phong đạt 4.519,6 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2017.
Tuy nhiên, sự chững lại này có thể dễ hiểu với một doanh nghiệp có quá trình hoạt động gần 60 năm và đã chiếm lĩnh được phần lớn thị trường tiêu thụ ở miền Bắc; sở hữu 3 nhà máy hiện đại tại Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An; 9 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và hơn 16.000 cửa hàng trên toàn quốc.
“Do vậy, trọng tâm hàng đầu hiện nay của Công ty là giữ vững thị phần vốn có và tiếp tục mở rộng thị phần tại miền Nam”, ông Phương khẳng định.
Trong quá trình hoạt động, Nhựa Tiền Phong đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng, đánh dấu những bước tiến mới vượt bậc, cả về định hướng phát triển, “sức khỏe” tài chính, công nghệ, thị phần, quy mô… như những năm 1975, 1989, 2004, 2006, 2015. Còn năm 2018 vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy quản trị nội bộ doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, quy chuẩn bằng việc triển khai xây dựng hệ thống quản trị “Thẻ điểm cân bằng BSC và Hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả công việc KPI; áp dụng mô hình quản lý tinh gọn theo Lean Six Sigma”…
Năm 2018 cũng là năm mà Nhựa Tiền Phong tập trung phát triển ngành nghề cốt lõi là sản xuất - kinh doanh ống nhựa, gắn với việc đẩy mạnh việc hợp tác chiến lược với các công ty trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dây chuyền sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng sinh lời.
“Nói đúng hơn, năm 2018 là quãng nghỉ cần thiết cho những con số. Còn nội tại của Nhựa Tiền Phong là sự dịch chuyển rất mạnh mẽ, không hề ngơi nghỉ. Đây là năm mà sự đóng góp của Nhựa Tiền Phong với cộng đồng được thực hiện ở mức độ sâu và rộng hơn thông qua chương trình Cầu nối yêu thương”, ông Phương chia sẻ.
Trong năm 2019 này, với sự thay đổi nhân sự cấp cao của Công ty ở hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, cùng với phương pháp quản trị mới, Nhựa Tiền Phong đang tự tin bước những bước đi mới đầy tham vọng của mình.
Tạo động lực mới
Cuối tháng 6/2019, Hội đồng quản trị công ty đã quyết định triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần.
Theo đó, cuối năm 2019, Nhựa Tiền Phong sẽ bắt đầu tiến trình phát hành hơn 8,92 triệu cổ phiếu mới từ nguồn vốn chủ sở hữu - tương đương với tỷ lệ 10%. Số cổ phiếu này được phát hành cho các cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền.
Theo đó, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên trên 981 tỷ đồng. Việc tăng vốn này sẽ giúp Nhựa Tiền Phong có thêm nguồn lực để hiện thực hóa những kế hoạch kinh doanh mới đang được ấp ủ.
Được biết, ngoài gia tăng sự hợp tác sẵn có với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Sekisui, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú… Nhựa Tiền Phong đã đầu tư góp vốn với các đối tác chiến lược như CTCP Cấp nước Thủ Dầu Một, CTCP Cấp nước Nam Định, CTCP Cấp nước Hà Giang… để mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Phát hành cổ phiếu luôn là một phương án huy động tài chính hiệu quả được Nhựa Tiền Phong sử dụng trong suốt 13 năm qua, kể từ khi lên niêm yết vào năm 2006”, ông Phương nói.
Trong quá trình hoạt động, đã có những thời điểm, cổ phiếu NTP lọt vào Top cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn. Điều đó đã góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của Nhựa Tiền Phong đối với thị trường.
Trong 5 năm liền từ 2013 - 2017, Nhựa Tiền Phong được bình chọn và vinh danh là doanh nghiệp niêm yết có báo cáo thường niên tốt nhất. Riêng năm 2018, đánh dấu chặng đường 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, sự kiện thường niên do hai sở giao dịch chứng khoán và Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp tổ chức, Báo cáo thường niên 2017 của Nhựa Tiền Phong đứng trong Top 10.
Mới đây, Nhựa Tiền Phong tiếp tục được Forbes Việt Nam bình chọn nằm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2019.