Nhựa Tiền Phong đang là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất ống PE gân sóng kích cỡ lớn có đường kính lên đến 1.000 mm |
Tăng trưởng lợi nhuận giữa “bão Covid-19”
Năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp quay cuồng trong “cơn bão Covid-19”. Làm thế nào để giữ vững vị thế thương hiệu Nhựa Tiền Phong trước sóng gió, thử thách, giữ được đà tăng trưởng, luôn là điều mà Ban lãnh đạo của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) trăn trở.
“Nhưng trên hết, mọi lựa chọn của chúng tôi đều hướng đến quyền lợi cho cổ đông, sự an toàn cho hệ thống phân phối và đặc biệt là sự ổn định cho cuộc sống của hơn 1.600 cán bộ, công nhân viên từ Bắc tới Nam. Do vậy, chúng tôi chấp nhận chậm lại một chút, dù doanh thu có thể không đạt được như kỳ vọng”, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong nhấn mạnh.
Song, nhờ kiểm soát chặt các chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãi suất vay trong giai đoạn này cũng giảm và sự ứng biến kịp thời khi dự báo được đà tăng giá của nguyên liệu, Nhựa Tiền Phong tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng.
Điều đó được thể hiện rất rõ khi lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp 2019 - 2021 luôn vượt chỉ tiêu đề ra từ 7% - 21%, đặc biệt là năm 2021, mặc dù thị trường hoạt động rất khó khăn, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 521,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch đến 21% và doanh thu đạt 4.877 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2020.
Để có được kết quả này thực sự không dễ dàng! Đợt bùng phát dịch lần thứ 3 và 4 trong năm 2021, tại phía Nam, đặc biệt là TP.HCM đã phải thực hiện các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn hoá vừa và nhỏ.
Riêng đối với thị trường ngành nhựa, do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên sự biến động của giá thị trường nguyên liệu thế giới đã mang đến một bài toán khó cho doanh nghiệp khi phải cân bằng giữa chi phí hoạt động và giá bán. Chưa kể, đợt bùng dịch lần thứ 4 đã khiến cho Nhựa Tiền Phong phía Nam và nhà máy tại Bình Dương gần như không hoạt động được.
“Có thể thấy, năm 2021 thực sự là một “phép thử” về nội lực, bản lĩnh, lòng kiên định và tầm nhìn của các doanh nghiệp. Và chúng tôi đã vượt qua”, ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ.
Cân nhắc dựa trên quyền lợi cao nhất của khách hàng, nên dù từ năm 2020, giá nguyên liệu đã có xu hướng bất ổn, nhưng Ban lãnh đạo vẫn quyết định giữ vững giá bán của gần 10 năm trước. Chỉ đến năm 2021, đứng trước sự rung lắc mạnh từ giá nguyên liệu của hạt nhựa PE, PVC, PPR, Nhựa Tiền Phong mới thực hiện điều chỉnh giá bán, nhưng là doanh nghiệp điều chỉnh chậm nhất và ít nhất trong ngành.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Công ty vẫn đạt 9,7%, duy trì được mức tỷ lệ tương đương năm 2020 là 9,96%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.596 đồng, tăng 6,2% so với năm 2020. Giá trị cổ phiếu Nhựa Tiền Phong (mã NTP) tăng từ 32.800 đồng đến 69.300 đồng (cao nhất) đã thể hiện sức hút của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, Nhựa Tiền Phong đã thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2020 tương đương 117,796 triệu đồng (10% vốn điều lệ) và tạm ứng 176,694 triệu đồng bằng 15% vốn điều lệ cho chi trả cổ tức đợt I năm 2021. Với doanh thu năm 2021 ở cả 3 miền gần 5.800 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong vẫn giữ vững vị trí là nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Tiền đề cho tăng trưởng năm 2022
Những sản phẩm mới được Nhựa Tiền Phong nghiên cứu sản xuất thành công và đưa vào kinh doanh ngay trong năm 2021 chính là dư địa để mở rộng thị phần và tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Đó là sản phẩm vách PE và thùng T50, dùng trong nuôi trồng thủy hải sản và nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Sản phẩm này đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng, giúp Nhựa Tiền Phong mở ra một xu hướng mới và gia nhập lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản vốn còn nhiều dư địa phát triển.
Bên cạnh đó, các sản phẩm vốn có vẫn tiếp tục được nghiên cứu cải tiến chất lượng và bổ sung các chủng loại mới như: ống uPVC lõi xoắn; ống PP/PE 2 lớp gân sóng, ống PE 1 lớp luồn cáp điện...
Năm 2021, Nhựa Tiền Phong cũng đã hợp tác với Iplex để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi Australia và New Zeland, việc hợp tác này vừa nâng cao trình độ sản xuất của Công ty, vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết thêm: “Năm 2021, Công ty đã cung cấp cho Công ty CP Thủy sản Minh Phú ống HDPE DN1.400 - 1.600 dẫn nước biển từ ngoài khơi xa vào bờ để nuôi thủy sản. Sự kiện này đã mở rộng hơn nữa cánh cửa bước chân vào một thị trường mới”.
Cũng trong năm 2022, Nhựa Tiền Phong đang hợp tác với Sekisui để nghiên cứu công nghệ sản xuất ống và phụ tùng C.PVC sử dụng cho hệ thống Phòng cháy chữa cháy, thay thế ống sắt thép hiện nay. “Nếu thành công đưa sản phẩm này ra thị trường, thì đây cũng là một dòng sản phẩm mới sẽ đem lại doanh thu lớn trong các năm tới”, ông Phương nhận định.
Tuy nhiên, ngoài những nhà sản xuất vẫn hoạt động trên thị trường, năm 2021, có thêm một số đơn vị đầu tư xây dựng nhà xưởng ở Nghệ An, Bắc Giang để sản xuất ống nhựa các loại. Do vậy, trong thời gian tới, cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt.
Hơn nữa, theo ông Chu Văn Phương, giá nguyên liệu PVC đang ở mức cao và năm nay, khó có được lợi thế mua nguyên liệu giá rẻ như năm 2021, nên HĐQT Nhựa Tiền Phong dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua kế hoạch doanh thu hơn 5.175 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với kết quả năm 2021. Sản lượng dự kiến cũng tăng 6% (lên khoảng 102.000 tấn), song chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 9% so với năm 2021 khi ước đạt 465 tỷ đồng, tương đương 9% doanh thu”.
Lan toả hạnh phúc, kết nối tương lai
Không chỉ 2 năm qua, mà trên hành trình gần 62 năm của mình, Nhựa Tiền Phong đã gặp không ít những biến cố từ khách quan và cả chủ quan nữa, nhưng tinh thần đoàn kết đồng lòng của một tập thể lớn đã cho thấy một Nhựa Tiền Phong luôn tiên phong, do người Việt làm chủ.
Để bước tiếp chặng đường mới với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong Đặng Quốc Dũng bày tỏ: “Chúng ta cũng cần phải tự trang bị về sức khoẻ và trí tuệ, tạo nền tảng vững chắc để có thể tự mình vượt qua khó khăn, nắm bắt những cơ hội và đạt được thành công”.
Chính vì vậy, từ nhiều năm trở lại đây, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động luôn được Nhựa Tiền Phong chú trọng. Người lao động không chỉ được tham gia những lớp đào tạo bài bản, mà còn được học hỏi thêm về kinh nghiệm, mở rộng kiến thức làm việc qua sự chia sẻ, đào tạo nội bộ của các lãnh đạo trực tiếp.
Không chỉ vậy, Công ty tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và người dân trong công tác phòng chống Covid-19. Nhựa Tiền Phong đã ủng hộ 3 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của TP. Hải Phòng; trao tặng 2 máy thở Bennet 840 cho Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM); tặng 18 máy lọc không khí công suất lớn lên đến 10.000 m3/h cho Bệnh viện Bạch Mai, cùng nhiều vật tư y tế để sử dụng tại bệnh viện dã chiến số 11 và 16 tại TP.HCM với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Và trong năm 2022 này, Nhựa Tiền Phong sẽ tiếp tục nối dài hành trình nhân ái thông qua các chương trình thiện nguyện trên khắp cả nước với thông điệp “Lan toả hạnh phúc, kết nối tương lai”.
Tháng Tư tới đây, cây cầu nối yêu thương số 80 tại tỉnh Điện Biên sẽ được khánh thành. Năm 2022 sẽ có thêm 20 cây cầu nối yêu thương nữa được Nhựa Tiền Phong xây dựng để nối dài hành trình lan toả yêu thương mà doanh nghiệp này đã triển khai từ nhiều năm qua.