| ||
Để siết thuê bao trả trước, cần quản chặt từ đại lý sim. (Ảnh: Đ.T) |
Hệ lụy của sim rác, sim ảo
Việt Nam đang có khoảng 50 triệu người dùng điện thoại di động, giả sử mỗi người sử dụng tới 3 sim (2 máy di động và 1 máy tính bảng), thì tổng số thuê bao tối đa cũng chỉ là 150 triệu.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam hiện có hơn 170 triệu thuê bao di động. Rõ ràng, số lượng thuê bao ảo là rất lớn và đang gây nhiều hệ lụy.
Hàng loạt tiêu cực đã nảy sinh từ thuê bao rác, như tin nhắn rác, tin quảng cáo, khuyến mãi lừa đảo, dung tục, mê tín dị đoan, cờ bạc, thậm chí là đe dọa, khủng bố...
Bên cạnh đó là nạn hoành hành của các đối tượng trộm cước viễn thông, nhất là trộm cước viễn thông quốc tế, trong đó, đa số đối tượng trộm cước sử dụng sim vô chủ để thực hiện.
Một hệ lụy khác là việc các tổng đài dùng sim rác trả trước để “dội bom” tin nhắn quảng cáo, quảng bá, lừa đảo. Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt gần 2 tỷ đồng đối với 4 doanh nghiệp dùng sim trả trước của các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo…
Theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, các đối tượng xấu chủ yếu dùng mạng di động với hàng ngàn sim ảo để kinh doanh lậu cước quốc tế chiều về. Việc phát hành sim với số lượng lớn chỉ có lợi cho doanh nghiệp trong một thời gian ngắn, nhưng đây là việc làm không bền vững, ảnh hưởng đến xã hội và trật tự an toàn xã hội.
1.001 kiểu vi phạm
Theo “phác họa” của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, có rất nhiều đại lý, doanh nghiệp, người dân vi phạm quy định về quản lý thuê bao trả trước.
Đợt thanh, kiểm tra thuê bao trả trước của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam gần đây đã phát hiện các chủ điểm giao dịch vẫn chấp nhận giấy tờ không đúng quy định, cung cấp dịch vụ khi chủ thuê bao không có đầy đủ thông tin; sử dụng bản photocopy chứng minh nhân dân của khách hàng mới đăng ký 1 thuê bao để đăng ký thêm 2 thuê bao khác; hoặc lấy file scan, chứng minh nhân dân photocopy sửa lại số, sửa lại tên để hợp lý hóa hồ sơ.
Còn trong đợt kiểm tra thuê bao trả trước của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc (thực hiện năm 2012), đoàn kiểm tra đã phát hiện rất nhiều thông tin “trùng hợp”. Đó là hiện tượng nhiều thuê bao trùng lặp thông tin về họ tên, ngày sinh, ngày cấp chứng minh nhân dân, ngày kích hoạt, nhưng khác số chứng minh nhân dân. Điển hình, trên địa bàn huyện Yên Lạc và TP. Vĩnh Yên, phần lớn khách hàng của mạng MobiFone chỉ gồm những cá nhân sinh năm 1959, 1960 và 1961.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do có một số đối tượng kích hoạt sẵn sim thuê bao di động trả trước nhằm mục đích trục lợi.
Siết thuê bao trả trước
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mặc dù số lượng thuê bao ảo đã hạn chế, nhưng quản lý thuê bao trả trước vẫn còn nhiều vấn đề. Việc thanh tra trên diện rộng lần này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm tình hình doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, phản ánh trung thực hơn thực trạng quản lý thuê bao trả sau.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), muốn quản lý tốt thuê bao trả trước cũng như tình trạng sim rác cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo của các doanh nghiệp viễn thông. Quá trình thanh tra trước đây đã phát hiện rất nhiều trường hợp phức tạp xuất phát từ sự chỉ đạo chưa kiên quyết từ phía lãnh đạo các đơn vị.
Cục Viễn thông kiến nghị lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông chỉ đạo các hệ thống của mình nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý thuê bao trả trước.
Hữu Tuấn