Nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan |
Từng bị người mẫu trở mặt
Để có một bức ảnh nude theo ý muốn, nhiếp ảnh gia sẽ có hai sự lựa chọn là thuê người mẫu hoặc sử dụng người mẫu tình nguyện. Ở trường hợp đầu tiên, nhiếp ảnh gia đương nhiên phải trả tiền thù lao cho người mẫu và quyền sở hữu tác phẩm sẽ thuộc về tay máy đó.
Những rắc rối đối với nghề chụp ảnh khỏa thân thường xảy ra ở trường hợp thứ hai, tức là với những người mẫu tự nguyện đến với nghệ thuật với mong muốn: Có được những bức ảnh lưu lại vẻ đẹp thanh xuân của cơ thể. Ở trường hợp này, việc trả công cho người mẫu không hẳn được thực hiện mà trái lại, có khi, chính người mẫu đó phải bỏ tiền ra để thuê các nhiếp ảnh gia thực hiện. Nhưng nói gì đi nữa, với các nhiếp ảnh gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sự hy sinh của người mẫu tự nguyện luôn làm họ cảm kích và có một chút quà nhỏ sau khi công việc hoàn thành cũng hoàn toàn hợp lý.
NSNA Thái Phiên không ngần ngại công bố, anh có thừa… mẫu để lựa chọn. Hầu hết những người phụ nữ đều tự tìm đến anh, nhờ Thái Phiên chụp ảnh khỏa thân. Vì thế, chuyện Thái Phiên có trả công cho họ hay không cũng không quá quan trọng. Và xem ra, anh là người được hời nhất từ nghề chụp ảnh khỏa thân như danh tiếng, quyền sở hữu tác phẩm… Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Để hình thành nên một bức ảnh khỏa thân, ngoài yếu tố người mẫu thì ý tưởng cho tác phẩm mới thực sự quan trọng. Và chi phí cho chuyến đi thực tế, Thái Phiên bao giờ cũng tự bỏ tiền túi ra chi trả. Thế nhưng, trong suốt mấy chục năm tác nghiệp, anh đã từng bị người mẫu trở mặt.
Tác phẩm “Vườn cỏ hoang” của NSNA Thái Phiên |
“Khóa chặt” thông tin về người mẫu
Chuyện là, trước mỗi buổi chụp ảnh nude, nhiếp ảnh gia thường ký kết với người mẫu một văn bản thỏa thuận về bản quyền sử dụng ảnh sẽ thuộc về mình. Nhưng đã hơn một lần, Thái Phiên bị người mẫu đòi lại toàn bộ số ảnh vừa chụp để xóa sạch dấu vết. Điều đó đồng nghĩa với việc, công sức và tiền bạc của nhiếp ảnh gia coi như đổ xuống sông xuống biển.
Dù bực mình nhưng tay máy này đành chiều theo ý muốn của cô gái và coi đó như một tai nạn nghề nghiệp. Sự hy sinh của người mẫu cho nghệ thuật là vô giá, vì thế, đã là nhiếp ảnh gia chụp ảnh khỏa thân, ai cũng hiểu nguyên tắc bất di bất dịch rằng cần đảm bảo danh dự cho người mẫu bằng việc không tiết lộ danh tính và gương mặt.
Còn việc trả công cho người mẫu có khi chỉ cần một thỏi son môi, một cuốn sách hay, một món quà nhỏ mang tấm lòng biết ơn đã là quá đủ. Ngay với Thái Phiên, anh cũng thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ trả cátsê cho người mẫu”.
Còn với nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan, anh cho rằng, khi người mẫu tìm đến với nhiếp ảnh có nghĩa là họ đã đặt hoàn toàn niềm tin vào tay máy này. Nhưng chỉ cần một cử chỉ thiếu lịch sự, một ánh mắt dò xét của nhiếp ảnh gia có khi lại khiến cho một mối quan hệ mới bắt đầu lập tức sẽ đóng sập lại.
Do vậy, tôn trọng người mẫu và sự cống hiến của họ chưa bao giờ là thừa. Việc trả công đối với những người mẫu nghiệp dư chỉ được xem như việc thứ yếu trong cả quy trình tạo nên một bức ảnh khỏa thân ưng ý. Đôi khi, việc trả tiền sòng phẳng lại được một số tay máy coi như sỉ nhục đối với người mẫu bởi họ tự nguyện đến với nghệ thuật mà không cần đền đáp.
Sự trân trọng, nâng niu từ khi bắt đầu công việc cho tới khâu xử lý hậu kỳ đã tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu. Và trong biết bao câu chuyện đã được các tay máy chuyên chụp ảnh khỏa thân chia sẻ phía sau ống kính, thì dường như việc tìm kiếm thông tin về người mẫu luôn được khóa chặt.
Những người phụ nữ đã rất dũng cảm để vượt qua định kiến và đứng trước ống kính, nhiếp ảnh gia cũng chẳng dại gì lại đi tiết lộ những bí mật cần được chôn chặt.