Sự đồng hành và đồng điệu giữa chính quyền và doanh nghiệp tạo ra sức mạnh đưa Quảng Ngãi phát triển bền vững. Ảnh: Bùi Thanh Trung |
Đồng hành
Trên con đường ấy, có thể là sự cam kết, là những cái bắt tay trao gửi niềm tin, hay những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo địa phương và người dân vì lợi ích của địa phương, quyền lợi của người dân và quyền lợi của doanh nghiệp; cũng có thể, là những bước chân cùng đưa sản phẩm, thương hiệu tại Quảng Ngãi ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
25 năm trước, Quảng Ngãi ghi dấu ấn trên bản đồ thu hút đầu tư trong nước và quốc tế với Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất số 1 Việt Nam. Có thể nói, trong các dự án tại Quảng Ngãi, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thời gian xây dựng lâu nhất (15 năm), diện tích lớn nhất (810 ha) và di dời dân nhiều nhất (7.000 hộ gia đình).
“Người dân sẵn sàng nhường đất thi công, nhưng dự án kéo dài quá lâu, cuộc sống khó khăn, mưu sinh vất vả… nên họ lại lấn chiếm mặt bằng để canh tác”, ông Trần Lê Trung, nguyên Trưởng BQL Khu kinh tế Dung Quất nhớ lại.
Khi nhà máy được tái khởi động, việc di dời dân bắt đầu lại từ đầu. Cả hệ thống chính trị của Quảng Ngãi đã phải vào cuộc tuyên truyền, giải thích. Rất nhiều cuộc đối thoại đã diễn ra để có mặt bằng sạch thi công.
“Nếu giữa lúc khó khăn về mặt bằng, chính quyền không đồng hành cùng nhà đầu tư, thì dự án đã không thể hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội, quyết định phần lớn thu ngân sách của Quảng Ngãi và đảm bảo 30% an ninh năng lượng quốc gia”, ông Trung nói.
Những ký ức của ông Trần Lê Trung khiến chúng tôi nhớ lại thời điểm cuối tháng 9/2012, Quảng Ngãi lên kế hoạch di dời Nhà máy Mỳ Tịnh Phong để tạo mặt bằng cho Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP, nhưng chưa được người dân đồng tình. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi đó, ông Võ Văn Thưởng, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã đối thoại trực tiếp với người dân tại trụ sở xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh), lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, giải tỏa những thắc mắc, nghi vấn đặt ra xung quanh Dự án.
Sau buổi đối thoại, người dân và tập thể lãnh đạo, công nhân Nhà máy Mỳ Tịnh Phong đã đồng thuận di dời và đó là một trong những nỗ lực để tạo ra VSIP Quảng Ngãi ngày nay - khu công nghiệp đang thu hút hàng chục dự án FDI công nghệ cao về Quảng Ngãi với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động…
Và đồng điệu
Nhìn lại quá trình phát triển đi lên trong những năm qua của Quảng Ngãi, có thể thấy, trên chặng đường ấy, những bước chân đồng điệu, song hành đã tạo nên mối quan hệ gắn kết keo sơn giữa địa phương và doanh nghiệp với “công thức”: cả hai bên cùng thắng.
Một trong những dự án điển hình là Doosan Vina có vốn đăng ký 300 triệu USD được đầu tư vào Dung Quất năm 2006 và nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo ra giá trị đầu tư, đồng hành cùng Quảng Ngãi trong vai trò hỗ trợ an sinh xã hội, là cầu nối thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Quảng Ngãi.
Không phải ngẫu nhiên, một doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu của Hàn Quốc đã chọn và dừng chân tại Quảng Ngãi. Đó là kết quả của cả một quá trình hai bên tìm hiểu nhau với những nét tương đồng về địa lý, văn hóa, gắn kết cung cầu giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc cũng như giữa Hàn Quốc - Quảng Ngãi.
Cựu Tổng giám đốc Doosan Vina, ông Park Hong Ook, từng chia sẻ về chặng đường Doosan Vina đặt chân tại Dung Quất (Quảng Ngãi): “Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, Doosan Vina đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Khu kinh tế Dung Quất và tỉnh Quảng Ngãi để thu hút đầu tư cho tỉnh”. 6 doanh nghiệp Hàn Quốc được Doosan Vina kêu gọi đầu tư vào Dung Quất với tổng vốn đầu tư hơn 11 triệu USD đang hoạt động hiệu quả đã minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ này.
Khẳng định Doosan Vina là mô hình kiểu mẫu đầu tư FDI tại Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Không chỉ sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt, Doosan Vina còn làm tốt công tác môi trường, giải quyết tốt các chính sách của người lao động, làm tốt chính sách an sinh xã hội, giữ mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Doosan Vina còn làm tốt vai trò cầu nối giúp Quảng Ngãi xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư và phát triển tại tỉnh”.
Từ một tỉnh thu ngân sách thấp, Quảng Ngãi đã trở thành tỉnh thu ngân sách khá của cả nước: năm 2018 đạt hơn 20.000 tỷ đồng; đặc biệt, năm 2013 đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tạo ra những bước chân mạnh mẽ, đồng điệu, khỏe khoắn cùng hướng về phía trước cho mục tiêu xã hội thịnh vượng.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng được xúc tiến đầu tư nhanh chóng từ mùa xuân năm 2017 đang từng ngày được xây dựng lên đồ sộ đã một lần nữa minh chứng cho những bước chân song hành của các doanh nghiệp và Quảng Ngãi trong giai đoạn phát triển mới.
Và những ngày này, khi Quảng Ngãi đang hướng đến kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, cũng là lúc địa phương đón nhận nhiều tin vui. Hàng chục dự án của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước liên tiếp được cấp phép đầu tư, khởi công xây dựng như: Dự án Bệnh viện Thái Bình Dương; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao Trần Việt; Khu du lịch sinh thái Bãi Dừa; Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất; Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát - Dung Quất; các dự án Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 09 - 10 - 11 - 12… là những minh chứng sống động cho lời khẳng định của chính quyền Quảng Ngãi: “Luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Quảng Ngãi; luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến với Quảng Ngãi”.