Không gian chung là nơi thể hiện rõ nhất văn hóa chung cư |
Cư dân đau đầu vì… cư dân
Đang sống yên lành, bỗng một ngày toàn bộ cư dân chung cư đều nhận được một tờ giấy kêu gọi phản đối ban quản trị và ban quản lý từ một cư dân chỉ vì cư dân này không bằng lòng với nhân viên bảo vệ. Vậy là vô tình toàn bộ hơn 500 căn hộ phải cuốn vào cuộc cãi vã của một cư dân…
Đó là chuyện xảy ra mới đây tại một chung cư tại Quận 7, TP.HCM. Chị Phạm Thị Loan, một hộ dân tại chung cư đưa vào hoạt động năm 2016 kể, vào tháng 2 vừa qua, các căn hộ trong toàn bộ chung cư đều nhận được tờ rơi nhét qua cửa nhà với nội dung kêu gọi phản đối ban quản trị và quản lý tòa nhà vì bảo vệ làm việc “không đàng hoàng” và cần thay ngay ban quản lý tòa nhà.
“Khi cư dân chúng tôi tìm hiểu vụ việc, hóa ra là khi đi làm về cư dân kia để xe không ngăn nắp, bị bảo vệ nhắc nhở, cư dân này liền cho rằng việc xếp xe gọn gàng là nhiệm vụ của bảo vệ. Ông bảo, tiền trả phí giữ xe hàng tháng thì bảo vệ phải là người xếp xe ngay ngắn cho cư dân. Vậy là lời qua tiếng lại, cư dân này liền làm tờ rơi rồi yêu cầu cư dân toàn chung cư cùng mình tập hợp phản đối.
Kết quả, ban quản trị và quản lý phải mời toàn bộ cư dân họp để thống nhất nội quy của chung cư. Chúng tôi còn làm ăn, vậy mà phải cuốn vào cuộc tranh chấp của một người với thời gian hàng tháng và cuộc sống ở chung cư rất căng thẳng”, chị Loan kể.
Câu chuyện mới đây tại chung cư H.L.C.L tại Quận 6, TP.HCM cũng làm cho đại bộ phận cư dân mệt mỏi vì khoảng 5 cư dân “nổi loạn” và kéo cả chung cư vào cuộc. Cụ thể, theo ban quản trị chung cư này thì chung cư đưa vào hoạt động năm 2016. Khi đưa vào hoạt động, chủ đầu tư và toàn bộ cư dân thống nhất nguyên tắc đăng ký gửi xe ô tô là ai đăng ký trước thì có chỗ đậu xe trong hầm, ai đăng ký sau thì sẽ phải đậu bên ngoài.
Mấy năm qua vẫn thực hiện như vậy không có vấn đề gì, nhưng từ cuối năm 2018 khi có vài hộ dân tới thuê căn hộ sống, có ôtô nhưng đăng ký chỗ giữ xe chậm nên phải đậu ở bên ngoài khu đường phòng cháy chữa cháy. Khi phường xuống kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy không cho để xe vị trí đó nữa, vì nếu xảy ra cháy nổ sẽ khó có thể chữa cháy nhanh. Ban quản trị đề nghị các cư dân này không để xe khu vực đó nữa thì họ bắt đầu treo băng rôn và để xe ở cổng vào chung cư để phản đối. Thế là toàn bộ cư dân của chung cư lên tới hơn 1.000 căn hộ mệt mỏi trong việc ra vào chung cư chỉ vì 5 hộ dân không có chỗ đậu xe.
Tiếp đó, 5 hộ dân này lên trang Facebook chung của cư dân chung cư kêu gọi phản đối ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư vì bán nhà nhưng thiếu chỗ đậu xe ôtô khiến một số trang tin vào cuộc thông tin gây xáo động cuộc sống của người dân và công việc của ban quản lý.
Hay như dự án H.L tại Quận 9, TP.HCM mới được bàn giao cuối năm 2018. Dù cư dân về ở còn ít, nhưng trước đó một số hộ dân đã lập nhóm cư dân trên Facebook với mục đích mà họ đưa ra đó là góp ý làm cho chung cư có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng sau đó, ngày càng nhiều những ý kiến mà ban quản lý trang Facebook này đưa ra làm cho cư dân thấy khó chịu.
Chị Hạnh, ngụ tại Lô A chung cư này kể, trẻ con xuống chơi tại công viên và khu vui chơi mà ồn ào thì ngay lập tức bị nhóm cư dân trên đăng lên trang Facebook có ý kiến. Thậm chí, mới 9h30 tối, khi nhóm trẻ con đang chơi thì họ xuống bắt lên nhà hết.
“Thực sự, mua căn hộ chung cư biết là sống với tập thể thì những cái gì chung nên có ý thức và chúng tôi đều là người có ý thức. Nhưng khi ở trong căn hộ của mình, muốn làm gì cũng sợ bị soi mói và chụp hình đăng lên nhóm của chung cư thì rất bức xúc.
Chả khác nào sống với một bà mẹ chồng khó tính, trong khi đó căn hộ của mình chứ đâu phải căn hộ của họ, và mình có vấn đề gì thì mình tự đi ý kiến chứ đâu có mượn họ đại diện cho mình ý kiến đâu”, chị Hạnh nói và cho biết, có một nhóm người “nhiệt tình thái quá”. Họ chỉ cần thấy một căn hộ nào phơi đồ ở ban công là chụp ảnh đưa lên nhóm và nói gia đình đó thiếu ý thức tập thể…
Thậm chí, khoản phí giữ xe mà chủ đầu tư dự tính đưa ra họ cho rằng không phù hợp và tự động tìm tới chủ đầu tư với tư cách đại diện toàn bộ cư dân để phản đối, trong khi đó đa số cư dân không hề được bàn bạc và có ý kiến gì về mấy vấn đề trên.
Hay tại một chung cư tại Quận 7, TP.HCM mới đây, hàng trăm cư dân được một phen hoảng loạn khi một hộ dân đã tự ý sơn lại nhà bằng sơn dầu mà không xin phép ban quản lý toà nhà… Cư dân này tự cho thợ vào làm và khi thợ vừa phun sơn vừa hút thuốc khiến hệ thống cảnh báo cháy báo động làm toàn bộ cư dân hoảng loạn tháo chạy. Thế nhưng, khi ban quản lý lên làm việc cắt điện nước thì cư dân lại treo băng rôn phản đối ban quản lý, quản trị và kêu gọi cư dân cùng… lên tiếng.
Một câu chuyện nữa xảy ra tại khu chung cư lên tới 10.000 căn hộ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM là hiện các cư dân cảm thấy rất sợ mỗi khi ra đường nội bộ của chung cư. Bất cứ ai chỉ cần đi dạo mà mặc đồ “mát mẻ” chút cũng bị chụp hình đăng lên nhóm cư dân với những lời dè bỉu không hề dễ chịu chút nào…
Sống sao cho vừa lòng nhau?
Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus, doanh nghiệp chuyên quản lý vận hành tòa nhà chung cư cho biết, câu chuyện cuộc sống và ý thức cư dân tại các chung cư là chuyện dài kỳ, bởi không thiếu trường hợp một nhóm rất ít người nhân danh cả tập thể cư dân để đặt ra các yêu sách, kiến nghị… Những hành động của họ không chỉ khiến ban quản trị bối rối, mà ngay cả các cư dân còn lại cũng mệt mỏi theo.
Thậm chí, tại các diễn đàn cư dân của các toà nhà được ban quản lý, ban quản trị lập ra để lắng nghe ý kiến của người dân nhằm phục vụ tốt hơn thì họ không vào đó ý kiến, mà tự lập ra một diễn đàn khác để có quyền quản trị, xóa và đăng bài theo ý kiến chủ quan của các cư dân này.
“Văn hóa sống tại nhiều chung cư hiện nay quả thực đang có rất nhiều vấn đề. Tất nhiên, chung cư là một xã hội thu nhỏ, mỗi người một tính cách và quan điểm sống, nhưng việc một vài cư dân lạm dụng quyền lực, đòi hỏi vô lý, thậm chí có ý kiến với cả không gian riêng tư vầ quyền tự do cá nhân của người khác là điều rất không nên”, bà Hương nói.
Đại diện một chủ đầu tư cũng cho biết, chung cư đã vận hành và bàn giao cho ban quản trị, ban quản lý tòa nhà, nhưng nhiều khi chủ đầu tư cũng bị ảnh hưởng đến thương hiệu vì những mâu thuẫn giữa các cư dân với nhau. Một số cư dân bất đồng với nhau về không gian riêng, không gian chung và quyền sử dụng các tiện ích rồi kéo báo chí vào cuộc. Vậy là tên chủ đầu tư sẽ mặc nhiên được gắn với những chuyện xấu đang xảy ra mà họ hầu như không biết.
Cùng với đó, những mâu thuẫn, phản ứng của cư dân với chủ đầu tư sau khi về ở thì muôn hình muôn vẻ. Đơn cử, cách đây không lâu, ở một chung cư tại Quận 5, TP.HCM, một số hộ dân phản đối về việc chủ đầu tư chào bán chỗ giữ xe ô tô với giá 500 triệu đồng. Trong khi trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư này có ghi rõ tầng hầm 1 là của cư dân và tầng hầm 2 là của chủ đầu tư khai thác nên họ bán chỗ để xe ở tầng hầm 2 theo sự chấp thuận của Bộ Xây dựng.
Nhiều hộ dân cho biết, họ sẵn sàng mua chỗ để xe đó vì nếu tính ra họ là người hưởng lợi, bởi một tháng phí giữ xe ô tô là hơn 2 triệu, nếu về muộn sẽ không còn chỗ đậu xe. Nếu mua chỗ đậu xe với giá 500 triệu đồng thì họ được rất nhiều cái lợi, từ không phải đóng phí giữ xe hàng tháng, không sợ giá giữ xe tăng theo năm, lại có chỗ đậu xe của riêng mình…
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, chủ đầu tư hành xử như vậy là không ưu tiên cho cư dân, không thực hiện đúng cam kết? Cuộc cãi vã trên dẫn tới toàn chung cư bị ảnh hưởng, người dân phải liên tục được mời đi họp ban quản trị, quản lý, chủ đầu tư. Kết quả, mỗi cuộc họp chỉ có chưa quá hơn 10 hộ dân trên tổng số hơn 300 hộ sân sống tại chung cư này tham gia vì đa số dân cư đều thấy quá vô lý và mất thời gian.
Bà Lê Thị Ngọc, một người dân sống tại chung cư H.L.P.A, Quận 9, TP.HCM cho rằng, khi chọn sống tại chung cư, nghĩa là cư dân muốn có cuộc sống yên bình và không muốn ai làm phiền như ở nhà phố, ra ngõ là thấy cãi nhau. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều chung cư cũng không còn cảnh yên bình khi nếp sống “soi mói” nhau khá phổ biến. Và cư dân sống trong cảnh phòng ngừa, sống không biết sao cho vừa lòng nhau.
“Dường như rất nhiều cư dân chung cư hiện nay quá quen với nếp sống dưới nhà mặt đất mà chưa tiếp nhận được văn hóa sống theo trục dọc của chung cư nên hay đòi hỏi, lạm dụng quyền tự do hành xử, tự do ăn nói của mình cả trong thực tế lẫn trên mạng xã hội. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền tự do chính đáng của người khác”, bà Ngọc nói.