Cụ thể, các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 21 - 30/9/2016 là:
1. Miễn giảm thuế xuất khẩu cho sản phẩm thân thiện môi trường
Thông tư 128/2016/TT-BTC quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP như sau:
Miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam.
Giảm 50% mức thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thuế suất thuế xuất khẩu 0% áp dụng đối với sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu.
Thông tư 128/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23/9/2016.
2. Tư cách hợp lệ của nhà thầu mua sắm dược liệu
Thông tư 31/2016/TT-BYT quy định chi tiết mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại cơ sở y tế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/9/2016.
Theo đó, quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu như sau:
Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do cơ quan có thẩm quyền cấp với phạm vi bán buôn dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Đối với gói thầu vị thuốc cổ truyền, nhà thầu phải đáp ứng thêm các điều kiện về sơ chế, chế biến dược liệu theo quy định tại Điều 18 Nghị định 102/2016/NĐ-CP.
Hạch toán tài chính độc lập.
Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả.
Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Bảng dữ liệu đấu thầu (BDL).
Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại BDL.
3. Tiêu chuẩn thanh tra chuyên ngành Công thương
Thông tư 15/2016/TT-BCT về thanh tra chuyên ngành Công thương bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/9/2016 quy định về tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành như sau:
Có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 Nghị định 07/2012/NĐ-CP.
Được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên và có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thanh tra được phân công.
Có chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Định mức tài chính hỗ trợ truyền thông về trợ giúp pháp lý
Từ ngày 22/9/2016, Quyết định 32/2016/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tham gia tố tụng cho người nghèo, đồng bào thiểu số tại khu vực đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 chính thức có hiệu lực.
Theo đó, định mức tài chính hỗ trợ truyền thông về trợ giúp pháp lý quy định như sau:
Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý cho mỗi trung tâm là: 20.000.000 đồng.
Mỗi xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài Truyền thanh được hỗ trợ: Biên soạn nội dung: 500.000 đồng/01 số/06 tháng; Chi phí phát thanh: 500.000 đồng/quý (06 lần/quý).
Mỗi xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở: 2.000.000 đồng/01 lần/năm.
5. Hướng dẫn về quản lý, sử dụng vốn ODA
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/9/2016.