Doanh nghiệp
Những “chú cáo” thuần Việt có chống lại được “con hổ” Grab, Go-Jek
Anh Hoa - 19/12/2018 15:55
Ngày càng nhiều ứng dụng gọi xe Việt xuất hiện trên thị trường như thể muốn “hùn” để chống lại “con hổ” Grab, Go-Jek.

“Chiêu” của tân binh Be

Bên ngoài trung tâm tiếp đối tác của start-up có tên Be là khung cảnh khá nhộn nhịp với tiếng còi xe inh ỏi và những chiếc xe bị ùn ứ tại Khu đô thị Sala (quận 2, TP.HCM). Ngày tiếp đối tác đầu tiên của trung tâm (12/12), gần 1.000 tài xế đã đến ứng tuyển. Họ đều là những tài xế trẻ, nhiệt tình và có kinh nghiệm trong công việc. Họ mong chờ Be chính thức nhập cuộc để có thể bắt đầu công việc mới với mức thu nhập tương xứng.

Với sự xuất hiện của Be, khách hàng sẽ có thêm sự chọn lựa đối với dịch vụ gọi xe công nghệ

Tuy nhiên, bước vào bên trong, bạn sẽ thấy khá ngạc nhiên với khung cảnh chẳng khác gì cảnh tượng thường thấy ở thung lũng Silicon.

Những nhân viên trong đồng phục kẻ ngang vàng của Be đang “cắm đầu” vào laptop như những chú ong chăm chỉ. Bên cạnh đó, có cả những nhóm chia sẻ kiến thức để nâng tầm chuyên nghiệp cho cánh tài xế.

Nhu cầu về ứng dụng gọi xe trên smartphone đang bùng nổ ở Việt Nam và trong nhiều tháng qua đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa một bên là taxi công nghệ và một bên là taxi truyền thống (không ứng dụng app gọi xe).

Trong khi đó, tại Hà Nội, với màn ra mắt ấn tượng, Be được phủ trên nền tảng sự phát triển công nghệ như vũ bão đã và đang tạo ra vô vàn cơ hội kinh doanh cho các start-up.

Trong thị trường cạnh tranh gay gắt và nhiều đối thủ lớn, là tân binh thuần Việt, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group kiên quyết không để lộ chiêu. Ông chỉ khẳng định, giao diện của ứng dụng này hướng đến sự đơn giản, thân thiện dành cho khách hàng và tài xế; hỗ trợ họ rõ ràng hơn về mặt thu nhập, thuế, chiết khấu, nạp tiền, rút tiền thuận tiện.

Việt Nam đang rất cần những start-up khởi nghiệp thuần Việt hoạt động. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để những start-up này thành công, cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn hùng hậu.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Điều ông Hải lặp lại nhiều lần nằm ở yếu tố, Be đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Bởi ông cho rằng, đây là điểm khác biệt rất lớn so với ứng dụng gọi xe hiện nay trên thị trường.

“Sự minh bạch là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong các chính sách và quá trình hoạt động, với cam kết mọi hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật như đóng thuế 10% giống như doanh nghiệp vận tải, hỗ trợ tài xế, hợp tác xã và các công ty vận tải trong việc kê khai đóng thuế”, ông Hải cho biết.

Động thái công khai của Be diễn ra trong bối cảnh sự lộn xộn của thời điểm giao thời khi Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là thí điểm taxi công nghệ) hết hiệu lực, trong khi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sửa đổi chưa ban hành, đang tạo ra những lỗ hổng nhất định trong quản lý với loại hình đặt xe công nghệ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo, Be chơi chữ đánh tráo khái niệm. “Theo luật thì chỉ có 2 loại hình doanh nghiệp kinh doanh vận tải là doanh nghiệp kinh doanh taxi (theo các điều kiện taxi) và hợp tác xã vận tải (xe hợp đồng và xin giấy phép các sở giao thông, hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012) cùng với các xã viên khác. “Vậy Be là hợp tác xã vận tải?”, ông  Tuất đặt câu hỏi và cho rằng, Be là một câu chuyện tốt để học hỏi kinh nghiệm.

Đặc biệt, Be chưa có chính sách giá giờ cao điểm, nhưng Tổng giám đốc Be Group cũng không tin “cuốc xe 0 đồng” là giải pháp cạnh tranh tốt. “Mức giá hợp lý với người tiêu dùng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày là những việc nên làm”, ông Hải nói. 

Giữ thị trường Việt

Trong lễ ra mắt Be ở Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ôm chiếc mũ bảo hiểm màu vàng đặc trưng của Be một cách hào hứng.

“Tôi rất hứng thú với các ứng dụng công nghệ liên quan đến vận tải, bởi sự xuất hiện của càng nhiều ứng dụng này sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường. Grab có thể thắng được Uber ở thị trường Đông Nam Á thì không có lý do gì Be và các ứng dụng thuần Việt khác không thể thắng các đối thủ khác ở thị trường Việt Nam”, ông Hùng bày tỏ.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek vừa công bố, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á hiện đạt giá trị 8 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 39% và dự báo sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2025. Lĩnh vực gọi xe trực tuyến trong báo cáo này gồm mảng gọi xe để di chuyển và gọi thức ăn.

Đứng đầu về quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á là Indonesia với giá trị 3,7 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực với quy mô 500 triệu USD, lần lượt sau Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tại các thị trường này, Grab đang là “con hổ” khi chiếm thị phần lớn nhất, có mặt ở hơn 200 thành phố sau khi thâu tóm hoạt động của Uber.

Trong năm 2018, khi Uber bán cho Grab, Go-Jek vào Việt Nam thông qua Go-Viet, hàng loạt ứng dụng được tung ra như những “chú cáo” nhỏ (Vato, FastGo, Aber, Logivan, Mai Linh Bike, T.Net, 123Xe, Xelo…) dù được đầu tư lớn, nhưng vẫn lẹt đẹt. Bên cạnh đó, nhiều start-up khác như Didi Chuxing (Trung Quốc), MVL (Singapore) cũng tuyên bố sẽ tấn công thị trường Việt.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Be vẫn nhận được nhiều sự kỳ vọng trong cuộc chơi đầy tính cạnh tranh. Được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư người Việt Nam có thâm niên làm việc tại các quốc gia công nghệ phát triển, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, Be là sự kết hợp giữa công nghệ và sự thấu hiểu tâm lý khách hàng Việt.

Be chính thức lăn bánh tại Hà Nội và TP.HCM
Ngày 17/12, Be chính thức hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, với hai loại hình dịch vụ là beBike (đặt xe mô tô) và beCar (đặt xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ), sau đó sẽ tiếp tục phát triển ở các địa phương khác từ tháng 2/2019. Dự kiến, trong năm 2019, Be sẽ có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và đưa dịch vụ giao hàng ra thị trường. Đến hết năm 2020, Be sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
l Mục tiêu ứng dụng này đặt ra đến hết năm nay là sẽ có 10.000 đối tác tài xế tại mỗi thành phố (Hà Nội, TP.HCM). Dự kiến, đến cuối năm 2019, lượng đối tác này sẽ tăng lên 110.000 người với 6,6 triệu lượt tải ứng dụng và hoàn thành hơn 105 triệu chuyến đi. Be áp dụng mức chiết khấu chung 25% cho tài xế.

Biết rõ đây là cuộc chơi đốt tiền cỡ tỷ USD, nhưng ông Hải tự tin với kinh nghiệm làm start-up công nghệ nhiều năm. Ông từng là đồng sáng lập, nguyên Giám đốc công nghệ VNG; đồng sáng lập, nguyên tổng giám đốc của hàng loạt tên tuổi như VinaData (chuyên cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin), chudu24.com (dịch vụ đặt phòng khách sạn),  Film+ (FimPlus) - thành viên của Galaxy Media & Entertainment, một trong những công ty giải trí hàng đầu Việt Nam…

Trước mắt, với số vốn hàng ngàn tỷ đồng trong tay, ông và Be sẽ đấu được. “Chúng tôi sẽ gọi vốn ngoại khi có nhu cầu ra nước ngoài. Còn bây giờ, việc của chúng tôi là giữ lấy thị trường Việt”, ông Hải nói.

Suy nghĩ của ông Hải cũng như nhiều ứng dụng thuần Việt khác đang hoạt động trên thị trường cho thấy, các doanh nghiệp đã định hình được cuộc chơi, hiểu về bản thân, biết điểm mạnh, điểm yếu của chính mình để tự hoàn thiện.

Có lẽ, sự trưởng thành đáng nói nhất là các hãng taxi truyền thống. Qua một thời gian ra sức chống bão, họ cũng thích nghi và chào sân mới với sự cải tiến khác xưa. Đó là liên minh G7 Taxi. Về bản chất, các hãng taxi truyền thống hợp nhất với nhau thành một thương hiệu là Taxi G7, chung một app gọi xe. Quan trọng hơn cả, các đơn vị đã có tiếng nói chung để đưa đến quan điểm cùng đồng hành lâu dài, tất cả các đối tác cùng có lợi.

“Nếu đơn vị nào tách ra riêng lẻ mà không dùng app G7 thì coi như tự sát vì không có thị trường”, ông  Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi cho biết. Điều này đã được chứng minh trong thời gian vừa qua, khi nhiều hãng taxi truyền thống đơn độc chìm trong thua lỗ, không thể cạnh tranh với Grab.

Đáng chú ý, taxi G7 sẽ đầu tư khoảng 1 triệu USD để quảng bá nhận diện thương hiệu và đầu tư công nghệ, phát triển ứng dụng, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Hiện taxi G7 có nhiều kênh để khách hàng gọi đặt xe như qua tổng đài, qua trang web chính thức của G7 hoặc vẫy xe trên đường.... Đặc biệt, để xây dựng app riêng cho G7 đủ sức mạnh, hãng này đã bắt tay với Công ty Bình Anh (BA GPS) - công ty chuyên sâu về công nghệ giao thông vận tải với các sản phẩm dịch vụ như thiết bị giám sát hành trình có hơn 150.000 thuê bao dịch vụ và nhiều ứng dụng trên di động như app Tìm Buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội…

Hiện chưa biết các tân binh này sẽ ra sao, nhưng với tâm thế không nhất thiết cứ phải làm con hổ chinh phục thế giới, mà cố gắng hơn người đã là thành công, họ đã dám mạo hiểu, dám đối mặt với những điểm yếu của mình để ít nhất cũng giữ được miếng cơm manh áo và sâu xa hơn là một ngày nào đó, đặt chân đến nước bạn nói câu “Xin chào!” như Grab, Go-Jek đã làm khi đến Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác