Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020. |
Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng, chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI.
Đó chưa phải là tất cả các con số mà theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc là "chưa thể yên lòng", qua kết quả điều tra PCI 2020.
Phát biểu tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sáng 15/4, vẫn trong các con số đáng lo ngại, ông Lộc cho biết vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn.
20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần - Chủ tịch VCCI nói.
Kết quả điều tra PCI cho thấy, niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% doanh nghiệp cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019.
Trước khi nêu những lo ngại này, Chủ tịch VCCI cũng đã nhấn mạnh nhiều ghi nhận tích cực qua điều tra PCI.
Ông Lộc nói: Báo cáo PCI 2020 ra đời trong một bối cảnh đặc biệt, Covid-19 hoành hành. Không chỉ có Covid-19, năm 2020 cũng để lại những “khoảng lặng” do thảm họa thiên tai dữ dội tại các tỉnh miền Trung đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những phản ứng chinh sách kịp thời và hiệu quả của Chính phủ trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng và trân trọng những cố gắng của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã dũng cảm kiên cường trong cơn sóng gió, bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân.
"Và dù gặp muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng vẫn có gần 12.300 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI. Đó là điều chúng tôi rất xúc động, tri ân" - Chủ tịch VCCI phát biểu.
Ông Lộc cũng chúc mừng Quảng Ninh, năm nay, một lần nữa, đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.
Kết quả PCI trong những năm qua, theo Chủ tịch VCCI cũng cho thấy một số xu hướng quan trọng rất đáng lưu ý trong chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương theo thời gian. Trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu – một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước rất nhiều.
"Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách - các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì và thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới - Chủ tịch VCCI phát biểu.