Khối bê tông vô dụng
Nhiều năm nay, tại 2 thôn Phước Thuận, Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, có một chiếc cầu “cô đơn” không nối vào đâu, vừa chướng mắt, vừa góp phần làm xấu tuyến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan.
Đó là cây cầu vượt, đúng hơn là “khối bê tông” vô dụng bắt qua đường tránh này. Dù là cầu vượt, nhưng nó được người dân địa phương và cánh tài xế ví von là chiếc cổng chào vì không có lối lên, cũng chẳng có đường dẫn xuống. Theo thời gian, “cổng chào” này cũ kỹ, mốc meo.
Cầu vượt như cổng chào vắt ngang qua đường quốc lộ tại huyện Hòa Vang. Ảnh: Nguyễn Toàn |
Có nhà nằm kề cây cầu, thuộc diện phải thu hồi, nhưng chờ “dài cổ” chưa thấy đền bù và di dời. Gia đình bà Thuận (thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) là một trường hợp như vậy.
Bà Thuận cho biết, cách đây 4 năm, cơ quan chức năng có đến đo đạc, kiểm kê đất đai để giải phóng đền bù, nhưng đến nay, việc này vẫn nằm trên giấy.
“Người dân ở đây rất ngán ngẩm, vì không biết khi nào dự án được triển khai tiếp, để thoát cảnh sống trong quy hoạch treo. Khu vực này có nhiều nhà cửa xuống cấp, cần sửa chữa hoặc có nhu cầu cắt đất để chuyển nhượng thì đều không được”, bà Thuận nói.
Ông Nguyễn Minh Khánh, Trưởng phòng Thẩm định - Kỹ thuật (Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) cho hay, cây cầu vượt thôn Phước Thuận, Phước Hậu nằm trong Dự án Cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan (gồm 2 đoạn La Sơn - Hòa Liên từ Km 0-Km 66 và đoạn Hòa Liên - Túy Loan, Km 66 - Km 78 - PV).
“Trong quá trình thực hiện dự án, do vướng công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và hỗ trợ, trong khi người dân có nhiều ý kiến nên chúng tôi chỉ hoàn thành và cho thông xe đoạn La Sơn - Hòa Liên, đoạn Hòa Liên - Túy Loan với chiều dài hơn 11 km phải dừng lại, trong đó bao gồm cầu vượt giáp Cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, hiện nay, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đang lập Dự án Cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan theo vốn đầu tư công, sang năm 2023 sẽ triển khai lại, bao gồm việc giải phóng mặt bằng và triển khai các phần còn lại liên quan đến cầu vượt.
Vấn đề đặt ra ở đây là, ngân sách nhà nước đầu tư vào một cây cầu không thể đi lại, để phơi nắng phơi mưa hết năm này qua năm khác có phải là lãng phí hay không? Đó là chưa kể, sau này, Nhà nước có phải tiếp tục rót tiền để bảo trì các vị trí xuống cấp của chiếc “cổng chào” này hay không?
Những tòa ký túc xá xây xong, nhưng không ai ở tại quận Liên Chiểu. Ảnh: Nguyễn Toàn |
Xây ký túc xá hàng trăm tỷ đồng để làm nơi… cách ly
Tương tự cảnh cây cầu vắng bóng người và phương tiện, công trình Khu ký túc xá tập trung phía Tây TP. Đà Nẵng (Ký túc xá Bàu Tràm) được xây dựng, hoàn thiện nhiều năm qua cũng… không có sinh viên nào.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, lúc đầu, công trình này là Dự án Nhà ở cho công nhân tại phường Hòa Hiệp Nam (được khởi công từ tháng 10/2009). Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai xây dựng dang dở, năm 2012, UBND TP. Đà Nẵng quyết định chuyển đổi mục đích đầu tư từ Dự án Nhà ở cho công nhân sang khu ký túc xá cho sinh viên thông qua sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ gần 700 tỷ đồng với tên gọi Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung phía Tây TP. Đà Nẵng.
Dự án có tổng diện tích 9,1 ha, gồm 9 khối nhà 7 tầng, 3 khối 5 tầng và 2 khu trung tâm sinh viên 3 tầng với tổng cộng 912 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 10.800 sinh viên. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án, tách một phần dự án nhà ở công nhân, lấy 1 khối nhà đã xây dựng phần khung để đưa vào Dự án Khu ký túc sinh viên tập trung phía Tây TP. Đà Nẵng với tổng cộng 6 khối nhà.
Tuy nhiên, ngày 26/5/2020, Bộ Xây dựng thành lập Đoàn công tác kiểm tra các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2009 - 2015, trong đó có Dự án Nhà ở sinh viên tập trung tại TP. Đà Nẵng.
Qua thực tế kiểm tra, Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, Khu ký túc xá tập trung phía Tây (khu 3) và Khu ký túc xá tập trung phía Tây TP. Đà Nẵng - Mở rộng (khu 4) không thuộc danh mục dự án nêu tại Quyết định số 1308/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 881/NQ-TVQH ngày 4/10/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì vậy, Bộ Xây dựng có Công văn số 3604 (ngày 7/9/2021) gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề nghị thu hồi vốn trái phiếu chính phủ đã đầu tư 2 khu ký túc xá trên.
Ngày 9/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1692/TTg-CN về việc đánh giá hiệu quả, kết quả đầu tư các dự án phát triển nhà ở sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2009-2015.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đối với các dự án thi công dở dang hoặc dự kiến chuyển mục đích sử dụng thì các địa phương rà soát, đánh giá không còn nhu cầu sử dụng ký túc xá hoặc nhu cầu nhà ở sinh viên thấp, trường hợp không thể huy động được nguồn vốn để hoàn thành toàn bộ các hạng mục đã khởi công của dự án thì yêu cầu chủ đầu tư báo cáo UBND cấp tỉnh, căn cứ tình hình cụ thể, đề xuất phương án xử lý báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Do vậy, ngày 20/11/2021, UBND TP. Đà Nẵng đã có Văn bản số 8059, kiến nghị chuyển đổi công năng Khu Ký túc xá tập trung phía Tây thành phố và Khu Ký túc xá tập trung phía Tây thành phố - mở rộng sang nhà ở công nhân (quay lại mục đích ban đầu của dự án).
Tháng 7/2022, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đổi công năng của 2 khu ký túc xá phía Tây tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với 758 căn.
Theo ông Nguyễn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Đà Nẵng (đơn vị được giao quản lý công trình), đơn vị vẫn đang trong quá trình xây dựng đề án chuyển đổi. Khi đề án hoàn thành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Đà Nẵng sẽ giao Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng để thực hiện, còn việc thực hiện cụ thể ra sao thuộc đơn vị chịu trách nhiệm triển khai.
Cũng theo ông Thanh, hiện nay Khu ký túc xá phía Tây TP. Đà Nẵng vẫn còn là bệnh viện dã chiến, chưa bàn giao lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Đà Nẵng.
Nguyên nhân, theo ông Thanh, trong quá trình vận hành bệnh viện dã chiến có phát sinh một số hư hỏng nên cần kiểm tra, sửa chữa.
Khi được hỏi tổng chi phí điện, nước, bảo trì thời gian qua phải chi trả là bao nhiêu, ông Thanh nói không nắm được chi phí này. “Chi phí điện, nước, bảo trì sau này đơn vị quản lý sử dụng sẽ thực hiện. Ban chỉ thực hiện phần đề án”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, sau thời gian được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và địa điểm tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 (đến tháng 7/2022), hiện nay, Khu ký túc xá tập trung phía Tây TP. Đà Nẵng “chong” điện thâu đêm suốt sáng, nhưng không có người ở.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng tiền nhà nước quá dễ xài và “cha chung không ai khóc”, nên Đà Nẵng mới mọc lên nhiều công trình bỏ hoang đến vậy.
(Còn tiếp)