Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm |
TPP là hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.
Sau đây là một số dấu mốc chính trong lộ trình đàm phán TPP:
Ngày 3/6/2005: Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (còn gọi là P4) được ký kết giữa Brunei, Chile, Singapore và New Zealand.
Điểm nổi bật của P4 là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa; thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn được xóa bỏ ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.
Tháng 9/2008: Mỹ tuyên bố tham gia đàm phán TPP.
Tháng 11/2008: Australia và Peru tham gia đàm phán TPP. Tại buổi họp báo công bố sự tham gia của Australia và Peru, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay.
Đầu năm 2009: Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP.
Tháng 10/2010: Tại vòng đàm phán thứ ba diễn ra ở Brunei, Malaysia chính thức tham gia đàm phán TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên 9 nước.
Tháng 6/2012: Canada và Mexico tham gia đàm phán.
Tháng 7/2013: Nhật Bản tham gia đàm phán và trở thành thành viên thứ 12 tại vòng đàm phán thứ 18 diễn ra ở Malaysia.
Tháng 12/2013: Bộ trưởng 12 nước từ bỏ mục tiêu hoàn tất văn kiện này trong năm 2013 sau khi không thu hẹp được bất đồng tại cuộc họp kéo dài 4 ngày ở Singapore.
Tháng 2/2014: Cuộc họp cấp bộ trưởng tại Singapore kết thúc mà không đạt mục tiêu mong muốn.
Tháng 4/2014: Nhật Bản và Mỹ khép lại các cuộc "đàm phán marathon" tại Tokyo, nhưng vẫn chưa thu hẹp được bất đồng.
Tháng 11/2014: Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ cùng lãnh đạo 10 nước đàm phán TPP còn lại nhóm họp bên lề Diễn dàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhất trí sớm kết thúc đàm phán, nhưng không đưa ra mốc cụ thể.
Tháng 4/2015: Nghị sỹ Mỹ trình Quốc hội dự luật Quyền đàm phán nhanh để thúc đẩy đàm phán TPP.
Tháng 6/2015: Tổng thống Mỹ ký ban hành luật Quyền đàm phán nhanh.
Tháng 7/2015: Bộ trưởng 12 nước đàm phán TPP họp tại Hawaii (Mỹ), nhưng vẫn không khai thông được bất đồng.
Ngày 30/9/2015: Bộ trưởng 12 nước bắt đầu đàm phán tại Atlanta (Mỹ) với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận. Cuộc họp căng thẳng kéo dài 5 ngày.
Ngày 5/10/2015: Các nước chính thức đạt thỏa thuận cuối cùng về TPP.