Liên quan đến tình hình sởi, theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Y tế công bốtừ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.180 trường hợp mắc sởi.
136 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.
Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó 12,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi; 86,4% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trên cả nước đã đạt 91,2%. Hiện cả nước đã có 25 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trên 95%.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa cho biết, hiện nay số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm.
Tuy nhiên, ông Phu cũng cảnh báo, do số trẻ dưới 9 tháng tuổi không được tiêm vắc xin nên nguy cơ số mắc ở nhóm này khó giảm đồng thời có thể sẽ tiếp tục ghi nhận ca nặng.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế |
Theo Bộ Y tế, nguy cơ dịch bệnh không chỉ liên quan đến sởi mà hiện có 11 loại dịch bệnh cũng có nguy cơ cao trong mùa hè.
1. Viêm đường hô hấp cấp tính (MERS-CoV)
Ngày 7/5/2014, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 496 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó có 93 trường hợp tử vong. Đến nay, MERS-CoV đã ghi nhận tại 16 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông (Ả Rập Xê Út, Jordan, Cô Oét, Ô Man, Quatar, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập), Châu Âu (Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp); Bắc Phi (Tunisia), Châu Á (Malayia và Phi líp pin) và Mỹ.
2. Cúm A(H7N9)
Ba tháng đầu năm 2014 số mắc H7N9 trên thế giới tăng cao với 259 ca mắc cúm A(H7N9). Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay số mắc đã giảm rõ rệt, cả tháng 4 chỉ ghi nhận 26 trường hợp mắc.
3. Cúm A(H5N1)
Từ đầu năm 2014 đến nay thế giới ghi nhận 13 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 06 trường hợp đã tử vong. Cụ thể số mắc/tử vong tại các quốc gia: Căm pu chia (9/4), Trung Quốc (2/0), Việt Nam (2/2).
Tại Việt Nam, trong năm 2014 cả nước ghi nhận 02 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1).
4. Cúm A(H5N6)
Ngày 7/5/2014, Hãng Thông tấn CNN tại Hồng Kông đưa tin trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A(H5N6) tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Bệnh nhân nam 49 tuổi, đã bị viêm phổi nặng, lấy dịch họng xét nghiệm và kết quả (+) với vi rút cúm A(H5N6). Bệnh nhân có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm ốm chết.
5. Bại liệt
Theo thống kê của Chương trình thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 68 trường hợp nhiễm vi rút bại liệt hoang dại (tăng 44 trường hợp so với năm 2013) tại 10 nước (Afghanistan, Cameroon, Guinea, Ethiopia, Israel, Nigeria, Pakistan, Somalia, Irac và Syri) trong đó Pakistan ghi nhận số mắc nhiều nhất (54 trường hợp).
6. Sởi
Trong năm 2014, dịch sởi đã ghi nhận tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch sởi tại Trung Quốc bắt đầu từ 2013 đến nay và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tháng 4/2014 Phi líp pin đã thông báo dịch sởi tại nước này, đến ngày 30/4/014 đã ghi nhận 17.630 trường hợp nghi sởi trong đó có 69 trường hợp tử vong.
Các chủng vi rút sởi chính lưu hành tại khu vực tại khu vực Tây Thái Bình Dương chủng H1, B3 và D8, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới.
7. Tay chân miệng
Trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong 3 tháng đầu năm 2014, số mắc của Trung Quốc tăng 1%, của Singapore tăng 29% so với cùng kỳ 2013.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 18.659 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước. 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mặc dù so với cùng kỳ năm 2013 số mắc giảm 21%, số tử vong giảm 05 trường hợp và so với cùng kỳ năm 2012 số mắc giảm 57%, số tử vong giảm 20 trường hợp, tuy vậy bệnh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số mắc cao và tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5% số mắc cả nước).
8. Sốt xuất huyết
Năm 2014 sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như: Úc, Malaysia, Singapore, Căm pu chia, Lào, Phi líp pin, New Caledonia, trong đó Úc tăng 14,3%, Malaysia tăng 313%, Singapore tăng 10,2%.
Tại Việt Nam, tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước.
Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83,8% số mắc cả nước. So với cùng kỳ năm 2013 (13.296/10), số mắc giảm 38,8%, tử vong giảm 6 trường hợp.
9. Thủy đậu
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, không ghi nhận tử vong, số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 (7.900 trường hợp mắc).
Một số tỉnh có số mắc cao trong 3 tháng 2014 là: Hà Nội (869), Khánh Hòa (851), Đà Nẵng (771), Bà Rịa - Vũng Tàu (769), Nghệ An (669).
10. Viêm não vi rút
Đến nay cả nước ghi nhận 191 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2013 (175/5) số mắc cả nước tăng 9,0%, tử vong giảm 2 trường hợp.
11. Dại
Từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 15 ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa (3), Yên Bái (2), Tuyên Quang (2), Sơn La (1), Phú Thọ (1), Lào Cai (1), Hà Tĩnh (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1). So với cùng kỳ 2013 (26 ca) số tử vong do dại giảm 11 trường hợp.
Số tử vong do dại tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có thể gia tăng vào mùa hè do sự tăng các ổ dịch dại trên đàn chó trong thời gian này.
TIN LIÊN QUAN | |
Bệnh Tay - Chân - Miệng và biện pháp phòng tránh | |
Sau 'bão' sởi là 'siêu bão' viêm não Nhật Bản | |
Quan trọng nhất là giành lại sự sống bệnh nhân sởi |
Chí Tín