Các quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể đã bộc lộ nhiều bất cập, gây trở ngại cho nền kinh tế, cản trở hoạt động đầu tư |
Thông tin chưa được phía Tập đoàn Sojitz xác nhận nhưng nhiều khả năng, nhà đầu tư này sẽ phải dịch chuyển Dự án Bột giấy có quy mô vốn đầu tư 150 triệu USD từ Quảng Ngãi về Quảng Ninh. Được biết 2 tuần trước, lãnh đạo Sojitz đã tới Quảng Ninh tìm kiếm cơ hội đầu tư một dự án bột giấy có quy mô đầu tư tương tự.Rất tha thiết, quyết tâm liên doanh với Tập đoàn JK (Ấn Độ) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam để triển khai Dự án ở Quảng Ngãi, nhưng sau 3 năm đeo đuổi, Sojitz có lẽ đã “bó tay”. Lý do là bởi, dự án này không nằm trong Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2020, có xét đến năm 2025, do Bộ Công thương ban hành ngày 18/11/2014.
Dù đã hơn một lần, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Công thương đề xuất việc xem xét, bổ sung Dự án vào Quy hoạch, bởi những dự án hiện tại có trong Quy hoạch, như Dự án Bột giấy Tân Mai, VNT, Bột giấy Bình Định… đều chưa được triển khai, song Bộ Công thương vẫn cương quyết lắc đầu. Bộ này thậm chí còn đề nghị Quảng Ngãi chưa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Bột giấy Quảng Ngãi và cũng chưa được cấp thêm giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án mới trong lĩnh vực này.
Giả sử Sojitz thành công với kế hoạch đầu tư ở Quảng Ninh, xét về mặt thu hút đầu tư, thì Việt Nam cũng “không đi đâu mà thiệt”, nhưng 3 năm đeo đuổi, nghiên cứu, làm thủ tục, là tiền của, công sức của không chỉ nhà đầu tư, mà cả của địa phương. Nếu dự án phá sản, Sojitz nản lòng mà “bỏ chạy”, Việt Nam mất cơ hội triển khai một dự án bột giấy quy mô lớn trong bối cảnh vẫn đang phải nhập khẩu khá lớn bột giấy từ thị trường nước ngoài.
“Cũng nên xem lại quy hoạch như vậy có hợp lý hay không”, một cán bộ của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã có lần thốt lên câu ấy sau nhiều lần nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho Sojitz mà bất thành.
Thực tế, không chỉ Sojitz, mà nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án cũng “như gà mắc tóc” khi vướng phải vấn đề tương tự. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã có lần dẫn câu chuyện về việc Việt Nam từng bị kiện ra tòa án quốc tế với số tiền bị kiện lên tới 3 tỷ USD vì liên quan đến quy hoạch.
“Vốn ban đầu doanh nghiệp bỏ ra chỉ có 70.000 USD nhưng họ đòi chúng ta đền bù tới 3 tỷ USD. Vì đó là con số lợi nhuận kỳ vọng họ có được từ dự án", ông Đông cho biết.
Những thông tin từ Thứ trưởng Đặng Huy Đông khiến dư luận liên tưởng đến vụ kiện đình đám của chủ đầu tư Dự án South Fork ở Bình Thuận. Tất nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan đến Dự án, nhưng một trong những vướng mắc của dự án này chính là sự “đá nhau” giữa Quy hoạch phát triển du lịch với Quy hoạch khai thác titan ở Bình Thuận.
Dù cuối cùng, Việt Nam đã giành phần thắng trong vụ kiện đình đám này, khi Trọng tài Quốc tế bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Michael McKenzie (công dân Hoa Kỳ) đối với Chính phủ Việt Nam về Dự án South Fork, song đó cũng là một bài học để đời trong công tác quản lý của Việt Nam.
Cũng ở Bình Thuận, vào năm 2008, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Polo Beach International Limited đầu tư Dự án du lịch phức hợp Cali Biển tại huyện Bắc Bình với quy mô 943,2 ha, tổng vốn đầu tư là 4,5 tỷ USD.
Song sau nhiều năm đeo đuổi, Polo Beach International Limited cũng đành từ bỏ Bình Thuận vẫn bởi sự đá nhau giữa quy hoạch du lịch và quy hoạch khai thác titan khiến tỉnh này không thể “mở lòng” đón nhận nhà đầu tư. Nhà đầu tư sau đó cũng chạy sang Ninh Thuận nhưng rồi bởi tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu nên cuối cùng đã ra đi.
Những câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở nhiều dự án. Được nhắc tới nhiều gần đây là số phận trái ngược của hai sân golf Ngôi sao Hạ Long (Quảng Ninh) và Đảo Hòn Ngọc (Ruby Island Golf Course - Quảng Ngãi). Theo Quyết định 795/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có Ngôi sao Hạ Long nằm trong Quy hoạch Phát triển sân golf Việt Nam đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư của Sân golf Ngôi sao Hạ Long có thể thở phào, còn Công ty Năm Bảy Bảy, dù đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, song vẫn phải từ bỏ.
Để tránh lắp lại những câu chuyện này, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nên biến kinh doanh sân golf thành ngành kinh doanh có điều kiện thay vì xây dựng quy hoạch như hiện nay, dù là quy hoạch mở.
“Hãy để thị trường quyết định, thay vì quy hoạch cứng là chỗ này, chỗ kia được mở bao nhiêu sân golf”, ông Thắng nói.
Những ví dụ vừa nêu đã phần nào cho thấy những bất cập trong công tác quy hoạch của Việt Nam, cho dù theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực ở cấp Trung ương lẫn địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng. Dự kiến tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.
Chi lớn như vậy nhưng quy hoạch lại kém chất lượng. Chưa kể, việc quy định cứng các ngành nghề, sản phẩm cụ thể trong các bản quy hoạch, ví dụ như đầu tư sân golf, đã không còn phù hợp trong kinh tế thị trường.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhiều lần khẳng định, các quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể đã bộc lộ nhiều bất cập, gây trở ngại cho nền kinh tế, làm cản trở hoạt động đầu tư và gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
“Đã đến lúc nên bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm. Các ngành, sản phẩm chịu sự biến động của thị trường sẽ do thị trường điều tiết. Nếu cần định hướng, thì Nhà nước thông qua quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch”, ông Các nói.