Tổ hợp dự án do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư sẽ tạo nhiều việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Trong ảnh: Phối cảnh tổ hợp Thép xanh Xuân Thiện Nam Định |
Tổ hợp 3 dự án lớn nhất đầu tư vào nam định
Ngày 9/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định, Dự án Nhà máy Cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Dự án Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định.
Đến ngày 22/3/2022, UBND tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng tăng vốn, tăng công suất, điều chỉnh công nghệ, từ sản xuất thép nâu truyền thống sang sản xuất thép xanh, thân thiện với môi trường và đổi tên 2 dự án: “Nhà máy Gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định” thành “Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định”, “Nhà máy Cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng” thành “Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng”. Tổng vốn đầu tư của cả 3 dự án là 98.900 tỷ đồng.
Ngày 14/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Thông báo số 318-TB/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án tại huyện Nghĩa Hưng.
Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định được xây dựng trên địa bàn các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Hưng), quy mô 284,97 ha, công suất 7,5 triệu tấn sản phẩm/năm, hoạt động sản xuất chủ yếu là luyện thép tấm HRC (thép tấm, thép tấm cuộn cán nóng, thép tấm đặc biệt chất lượng cao cho ngành sản xuất ô tô; thép tấm chất lượng cao kháng thời tiết đóng container...) và sắt xốp thương phẩm theo nhu cầu của thị trường.
Nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất thép phi than cốc, theo phương pháp hoàn nguyên trực tiếp chế biến sâu từ quặng, luyện thép lò điện hồ quang và công nghệ đúc cán liên tục với lưu trình liên động khép kín, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau; giảm được một lượng rất lớn khí CO2 phát thải khi sử dụng 100% khí thiên nhiên và khí H2. Dự án có tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 15.000 lao động địa phương.
Dự án Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I thực hiện trong 36 tháng, hoàn thành dây chuyền cán nguội chế biến sâu, công suất 1 triệu tấn/năm, sản phẩm thép tấm mạ kẽm, thép tấm sơn phủ, là mặt... và các hạng mục phụ trợ khác với giá trị đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn II thực hiện trong 48 tháng, hoàn thành dây chuyền 1, công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC với giá trị đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng. Giai đoạn III, sau 60 tháng, hoàn thành dây chuyền 2, công suất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC với giá trị đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng được xây dựng trên diện tích khoảng 83,93 ha tại xã Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng), sản xuất thép thành phẩm công suất 2 triệu tấn/năm từ thép phế liệu bằng lò điện hồ quang và đúc cán liên tục. Tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng; tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Dự án được thực hiện trong 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa.
Dự án Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn trên diện tích khoảng 57,8 ha tại xã Nghĩa Hải, xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng). Nhà máy có công suất khoảng 350.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 900 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian 24 tháng, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 400 lao động.
Giữ gìn, bảo vệ môi trường
Tổ hợp dự án do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư nằm ở vùng bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, cách xa khu dân cư, cách xa các điểm di tích, văn hóa, không ảnh hưởng đến đất rừng, đất lúa, đảm bảo không gây tác động đến môi trường và hệ sinh thái khu vực.
Về công nghệ sản xuất, Tập đoàn Xuân Thiện cam kết sử dụng công nghệ có xuất xứ từ các nước G7/châu Âu; thiết bị mới 100%, đảm bảo các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mức độ tự động hóa cao, áp dụng tối đa thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của các dự án.
Việc áp dụng công nghệ sản xuất thép phi than cốc, ban đầu sử dụng khí tự nhiên và tiến tới là dùng điện sạch (điện gió, điện khí) để điện phân Hydro, sử dụng Hydro trong quá trình luyện thép là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, sẽ giảm thiểu tối đa lượng phát thải khí CO2, NOx, SO2…, bụi và chất thải rắn ra môi trường.
Theo tính toán của các nhà chuyển giao công nghệ, khi sử dụng khí tự nhiên để thay thế than sẽ giảm trên 50% lượng khí phát thải. Đến giai đoạn dùng điện sạch để điện phân Hydro sẽ giảm tới hơn 80% lượng khí phát thải. Đây là sự lựa chọn tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thép sạch, là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và thế giới (giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải), thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, đồng thời cũng là quan điểm đầu tư của Tập đoàn Xuân Thiện - coi trọng sức khỏe của cộng đồng và phát triển bền vững.
Nhà đầu tư cam kết sẽ thu gom, xử lý chất thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường. Toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn, sau đó tuần hoàn tái sử dụng trên 98%. Hệ thống lọc bụi hiện đại được sử dụng trong tất cả quá trình sản xuất. Bụi phát sinh được thu gom, tái sử dụng, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn được thu gom, tái sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia cho các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu của nhà máy. Chất thải không tái chế, tái sử dụng được sẽ thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Nhà đầu tư cam kết đền bù và khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp có sự cố, rủi ro môi trường xảy ra trong quá trình triển khai dự án.
Hiệu quả kinh tế - xã hội cao
Các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng có quy mô đầu tư lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Các dự án trên được đầu tư tại vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây được quy hoạch phát triến kinh tế thủy sản. Thực tế, nhiều năm qua, công việc nuôi trồng thủy sản ở đây vẫn manh mún, tự phát, khó khăn vì thiên tai, bão lụt và chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân cũng như đóng góp cho ngân sách.
Do đó, đến năm 2020, tỉnh Nam Định đã chấm dứt hiệu lực của quy hoạch thủy sản tại đây, đồng thời lập Quy hoạch Xây dựng khu chức năng phía Nam đô thi Rạng Đông với phần lớn diện tích là đất công nghiệp để thu hút nhà đầu tư với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hơn nữa, nơi đây có tiềm năng phát triển cảng nước sâu gắn với các ngành công nghiệp cơ bản. Vì vậy, 3 dự án đầu tư của Tập đoàn Xuân Thiện sẽ khơi dậy và phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế biển, đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao đời sống của người dân.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, toàn bộ Khu liên hợp Thép xanh Xuân Thiện Nam Định sẽ sử dụng đến 30.000 lao động. Riêng tổ hợp 3 dự án dự kiến tạo thêm việc làm cho trên 16.000 lao động, chủ yếu là lao động kỹ thuật, được đào tạo theo các ngành và dây chuyền sản xuất cụ thể.
Cùng với đó, các dự án sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng, tạo tiền đề, động lực thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ (tổng diện tích gần 14.000 ha nằm trên hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020. Đồng thời, tạo mối quan hệ, liên kết kinh tế với các địa phương trong vùng, mở rộng thị trường, giao lưu hàng hóa, hiện thực hóa khát vọng khu vực ven biển sẽ trở thành cực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đóng góp quan trọng cho mục tiêu đưa Nam Định đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.