Thăng hoa và trầm lắng
Trước năm 2010, khi thị trường bất động sản đang tăng nóng, nhà ở xã hội là mơ ước của rất nhiều người có thu nhập thấp và trung bình. Thế nhưng, việc có quá ít dự án nhà ở xã hội được triển khai, khiến người ít tiền có nhu cầu mua nhà phải xếp hàng nộp hồ sơ và bốc thăm xuất mua căn hộ.
Sau năm 2011, bong bóng địa ốc vỡ tung, giá nhà ở thương mại giảm 40 - 50%, nhưng thanh khoản đóng băng, hàng trăm dự án đang và sắp triển khai phải tạm dừng. Thời điểm này, một số dự án nhà ở thương mại có giá rẻ ngang, thậm chí là thấp hơn so với dự án nhà ở xã hội. Do đó, các dự án nhà ở xã hội bị ế, thậm chí, một số dự án nhà ở xã hội chuẩn bị đến giai đoạn bàn giao nhà còn bị khách hàng “đánh tháo”, trả lại căn hộ, như các dự án của Handico 5, Hanco 3.
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án nhà ở xã hội đã có nhiều kiến nghị, xin được “tháo gông” cơ chế đối với phân khúc này. Các dự án nhà ở xã hội lúc này do đó bị cả doanh nghiệp và người mua nhà xa lánh, khách hàng hướng đến các dự án nhà ở thương mại giá rẻ có mức giá thấp ngang với nhà ở xã hội, lại không phải chịu nhiều quy định ràng buộc như Dự án Đại Thanh. Tuy nhiên, những dự án như Đại Thanh chỉ đếm trên đầu ngón tay, thị trường bất động sản giai đoạn nay đóng băng cả thanh khoản và hoạt động triển khai dự án.
Để hỗ trợ nền kinh tế, phá băng thị trường địa ốc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2010, sau đó là sự ra đời của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư và khách hàng mua nhà dự án nhà ở xã hội với lãi suất 5 - 6%/năm và thời hạn vay vốn kéo dài.
Dự án nhà ở xã hội Bright City đã “đóng băng” giao dịch từ nhiều tháng nay. Ảnh: Phương Anh |
Với sự ra đời của gói tín dụng này, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, hàng loạt chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cũng như xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để hưởng ưu đãi. Lúc này, dự án này ở xã hội lại được thị trường quan tâm lớn trở lại và hiện tượng xếp hàng bốc thăm mua căn hộ lại xảy ra tại Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, hay dự án nhà xã hội tại số 30 Phạm Văn Đồng...
“Chìm” theo gói 30.000 tỷ đồng
Tại báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2015 và quý I/2016 của Savills và CBRE đều đưa ra nhận định, sau 1 năm phân khúc căn hộ cao cấp bùng nổ thanh khoản, năm 2016, loại hình căn hộ giá rẻ sẽ được thị trường chú ý hơn. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở xã hội lại gặp khó khăn, nhất là sau thông tin gói 30.000 tỷ đồng chuẩn bị hết hạn.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Thế Hưng, Phó giám đốc CTCP Bất động sản AZ, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City thừa nhận, dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư đã “đóng băng” giao dịch từ vài tháng nay.
Theo ông Hưng, nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn mua nhà. Vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn, nhà ở xã hội cũng không còn khách mua.
Ông Hưng cho biết thêm, hiện doanh nghiệp này vẫn còn nhiều sản phẩm nhà xã hội, nhưng việc bán được sản phẩm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không có thêm chính sách hỗ trợ sau gói 30.000 tỷ đồng, doanh nghiệp khó có thể bán được hàng.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, thời điểm đầu năm 2016, một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch mở bán ra thị trường, nhưng phải hủy bỏ vì thông tin gói 30.000 tỷ đồng hết hạn lan rộng. Thậm chí, có dự án đã mở nhận hồ sơ và có gần 1.000 khách hàng nộp hồ sợ đăng ký mua như The Vesta Hà Đông của Hải Phát, nhưng khi thông tin gói 30.000 tỷ đồng hết hạn, một lượng không nhỏ khách hàng đã rút hồ sơ.
Do không bán được hàng, tiến độ một số dự án nhà ở xã hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí một số dự án có nguy cơ chậm bàn giao nhà trong tương lai.