Khai mạc lễ hội sóng nước Tam Giang |
Chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động Triển lãm trưng bày, hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú do các tổ chức xã hội, các hội văn học nghệ thuật, kể cả cá nhân nghệ sĩ tự tổ chức.
Tối 24.4, hoạt động hưởng ứng đầu tiên trong chuỗi lễ hội cộng đồng đã được tổ chức tại không gian của bến đò Cồn Tộc, huyện Quảng Điền, Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” lần thứ 4 năm 2018. Lễ hội sẽ diễn ra trong 03 ngày từ 24/4 đến 26/4/2018, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đầm phá Tam Giang như: lễ tế Bà Tơ, đua thuyền trên song Bồ, hội chợ quảng bá xúc tiến thương mại, hội trại thanh niên, hội thi ẩm thực…
Thơ văn trên kiến trúc cung đình qua nghệ thuật trúc chỉ |
Sáng 25.4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc 2 hoạt động triển lãm độc đáo: Triển lãm ảnh “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc chỉ” tại Trường Lang, Đại Cung Môn, Đại Nội. Thơ trên kiến trúc cung đình Huế là "bức tranh" nghệ thuật thư pháp của Việt Nam vào thời Nguyễn, năm 2016 đã được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Thơ trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc Chỉ” là sự kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật, đó là thư pháp thơ trên kiến trúc cung đình và nghệ thuật Trúc Chỉ; trong đó, nghệ nhân Trúc Chỉ bằng sự tài hoa và tâm hồn thi sĩ sẽ tái hiện nét bút, nét chạm khảm của người xưa qua nghệ thuật làm giấy; đồng thời với sự tái hiện ấy là sự kết hợp giữa các hoạ tiết cung đình để tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới cho các bức - tranh - chữ trên Trúc Chỉ.
Với 28 tác phẩm Trúc Chỉ tương đương với 28 bài thơ, đoạn thơ qua chủ đề về tinh thần tự tôn dân tộc, ca ngợi thời thái bình, thịnh trị và phong cảnh đất nước v.v. triển lãm mang một thông điệp về giá trị văn hoá cộng sinh, từ vốn cổ nghệ thuật để phát triển thành nghệ thuật mới, giàu sức sáng tạo, hướng công chúng đến với vẻ đẹp truyền thống; hơn thế nữa, còn gợi nhắc các thế hệ tiếp nối sự trân trọng giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn |
Triển lãm thứ 2 là “Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và thời Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trong kho tàng cổ vật Việt Nam, có một dòng đồ sứ danh tiếng, được giới đam mê cổ ngoạn trước đây gọi là đồ sứ men lam Huế (tiếng Việt) hay bleus de Hué (tiếng Pháp), còn những người nghiên cứu và sưu tầm cổ vật đương đại gọi là đồ sứ ký kiểu (ĐSKK). Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã mời hai nhà sưu tầm Nguyễn Công Tuấn và Ngô Văn Trường (Hà Nội), cùng với nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng (Huế), phối hợp với bảo tàng tổ chức trưng bày.
Đây là lần đầu tiên một bảo tàng ở Việt Nam giới thiệu với công chúng những tuyệt phẩm tinh hoa của dòng đồ sứ ký kiểu xuyên suốt các triều đại Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, trải dài hơn 300 năm. Hơn 70 món ĐSKK đẹp nhất, toàn mỹ nhất, có giá trị nhất, trong đó có nhiều món có giá hơn 2 tỉ đồng Việt Nam, lần đầu tiên đưa ra trưng bày ở Huế để công chúng thưởng lãm.
Hơn 30 trân phẩm ĐSKK thời Lê - Trịnh, với đầy đủ các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị đoài và Khánh xuân thị tả, của Nguyễn Công Tuấn và Ngô Văn Trường, đại diện cho thời kỳ đầu tiên trong lịch sử ký kiểu đồ sứ, là phần trưng bày trọng tâm của triển lãm này. Những tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn vẽ những thắng cảnh vùng Thuận - Quảng cùng với những bài thơ vịnh cảnh của chúa Nguyễn Phúc Chu, đến từ sưu tập của Nguyễn Hữu Hoàng, là những đại diện xứng đáng dòng ĐSKK thời chúa Nguyễn tham gia triển lãm. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế giới thiệu những món ĐSKK tiêu biểu do các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định ký kiểu, từng được bài trí trong các cung điện, lăng tẩm, miếu vũ ở kinh đô Huế, từng được các vị vua chúa triều Nguyễn sử dụng và thưởng lãm lúc sinh thời.
Đây là những trưng bày đặc sắc mở đầu cho Festival 2018, xứng đáng là một điểm đến 5 di sản.