Điểm nóng
Những kẻ tấn công khủng bố Pháp được tổ chức như thế nào?
Phương Vũ - 16/11/2015 16:11
Các nhà điều tra Pháp tin rằng có ba nhóm tham gia vào các cuộc tấn công ở Paris và đang điều tra liên kết giữa chúng với cuộc xung đột ở Syria.

Người dân thắp nến tưởng nhớ nạn nhân các vụ tấn công. Ảnh: AFP

Nước Pháp hôm 13/11 rung chuyển bởi các vụ tấn công nhằm vào 6 địa điểm. Cuộc tấn công thứ nhất được thực hiện bởi một nhóm đánh bom tự sát bên ngoài sân vận động Stade de France. Kẻ đánh bom đầu tiên kích hoạt đai thuốc nổ quấn quanh người lúc 21h20, trong khi đội bóng đá quốc gia Pháp và Đức đang đấu giao hữu. Hai kẻ còn lại kích hoạt thuốc nổ lúc 21h30 và 21h53.

Mặc dù truyền thông Mỹ đã đưa tin, hiện không có bằng chứng nào cho thấy những kẻ tấn công có vé vào xem trận đấu, các nguồn điều tra cho biết. Chưa rõ lý do tại sao kẻ đánh bom tự sát đầu tiên lại kích hoạt thuốc nổ ngoài sân vận động, tại khu vực không có người.

Nhóm thứ hai xông vào phòng hòa nhạc Bataclan vào khoảng 21h40, trong đó có Omar Ismail Mostefai, người Paris, 29 tuổi. Ba kẻ tấn công bị lực lượng an ninh Pháp tiêu diệt.

Theo một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, nhóm thứ ba thực hiện ba vụ xả súng vào một số quán bar và nhà hàng ở trung tâm Paris lúc 21h25, 21h32 và 21h36, bắn hàng trăm viên đạn. Một kẻ đánh bom tự sát cũng tấn công tại một quán bar ở Boulevard Voltaire lúc 21h40.

Câu hỏi hiện giờ là liệu nhóm thứ ba có gồm các nghi phạm bị bắt giữ vào hôm 14/11 tại Bỉ hay không? Cho đến khi điều này được xác nhận, các giả thiết cho rằng một số kẻ tấn công vẫn còn chưa bị bắt không thể được loại trừ.

Liên quan đến Syria

Từ năm 2012, những phần tử jihad đến Syria đã là mối lo ngại lớn nhất đối với lực lượng chống khủng bố của châu Âu, và Pháp cùng với Bỉ là các nước nằm trong nhóm lo lắng nhất.

Mặc dù lực lượng an ninh đã xếp Mostefai vào "loại S" - hạng mục những kẻ có nguy cơ bị cực đoan hóa cao, hắn vẫn qua được con mắt của giới chức và nhiều khả năng đã ở Syria một thời gian năm 2014. Câu hỏi đặt ra là có phải hắn đã về nước với lời chỉ đạo khủng bố? Trước đó, tháng 4/2014, phần tử jihad có tên Ibrahim Boudina bị bắt sau khi trở về từ Syria vì nghi ngờ lên kế hoạch một cuộc tấn công dọc theo sông Riviera.

Vậy những kẻ tấn công khác thì sao? Có phải nước Pháp đang đối phó với một nhóm chiến binh từng chiến đấu ở Iraq hoặc Syria? Tại phòng hòa nhạc Bataclan, các nhân chứng nói rằng họ nghe thấy những kẻ tấn công nhắc đến cả hai nước này.

Các nhà điều tra vẫn thận trọng khi điều tra cuốn hộ chiếu Syria tìm thấy gần thi thể kẻ đánh bom tự sát đầu tiên gần sân vận động. Cái tên trên hộ chiếu không quen thuộc với cơ quan chống khủng bố của Pháp, và một nguồn tin cho biết vẫn chưa xác định được chủ sở hữu hộ chiếu có đúng là kẻ đánh bom hay không. Cảnh sát Hy Lạp cho biết họ đã được hỏi thông tin về hai người Syria đăng ký tị nạn trong những tháng gần đây, nhưng tên tuổi của hai người chưa được xác nhận.

Điểm yếu

Những kẻ tấn công sử dụng vũ khí tự động và một số khẩu Kalashnikov được tìm thấy vào tối hôm 14/11 trong một chiếc xe Seat đen bị bỏ rơi ở vùng ngoại ô phía đông Montreuil. Chiếc xe được cho là một trong số những chiếc tham gia vào cuộc tấn công hôm 13/11. Chắc hẳn phải có một chuyên gia chất nổ dính líu đến vụ việc này, hắn ta là người làm đai thuốc nổ cho những kẻ đánh bom tự sát. Tên này nhiều khả năng không trực tiếp tham gia tấn công vì hắn có giá trị lớn với tổ chức, các chuyên gia nhận xét.

Những câu hỏi này còn hướng tầm tập trung vào việc những kẻ khủng bố lấy kinh phí ở đâu và ai là người tài trợ chúng. Trong một số cuộc tấn công gần đây tại Pháp, chẳng hạn như vụ xả súng hồi tháng một tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, các nhà điều tra đã tìm thấy mối liên hệ giữa những kẻ tấn công với những kẻ nói tiếng Pháp ở Syria.

Khó có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi này qua việc thẩm vấn của những người gần gũi với Mostefai, hắn ta đã cắt đứt quan hệ với một số người trong gia đình.

Hợp tác quốc tế là "gót chân Achilles" của hoạt động chống khủng bố châu Âu. IS đã nhận ra điều này và kêu gọi các chiến binh của mình đánh vào các nước mà ở đó chúng ít có khả năng bị xác định danh tính.

Cuộc điều tra một vụ tấn công thất bại trên tàu cao tốc tuyến Amsterdam - Paris hồi tháng 8 cho thấy có những điểm yếu lớn trong việc trao đổi thông tin giữa cơ quan tình báo các nước. Vụ khủng bố Paris sẽ là phép thử xem nỗ lực cải thiện chia sẻ tình báo có đạt được thành quả hay không.

 

Tin liên quan
Tin khác