Kiến trúc - Phong thủy
Những lưu ý khi mượn tuổi động thổ
Thành Nguyễn - 11/04/2020 16:27
Chúng ta thường nói nhiều về động thổ khi xây nhà, nhưng động thổ sao cho đúng thì vẫn là băn khoăn của không ít người.

Động thổ sao cho đúng

Động thổ là một nghi lễ quan trọng mỗi khi xây nhà và hiện có nhiều quan điểm, nhiều chia sẻ khác nhau về lễ động thổ.

Có người cho rằng, khi động thổ cần cuốc ở tất cả các góc, rồi động thổ ở trung cung. Với một lô đất nhỏ, như nhà ở mặt phố thì người ta còn khuyên cầm cuốc cuốc nhiều lần xung quanh ranh giới của lô đất, rồi cuốc tiếp vào trung cung. Còn với lô đất có diện tích lớn mà chỉ xây một ngôi nhà nhỏ, có người cho rằng, cần cuốc tạo thành ranh giới của ngôi nhà rồi mới cuốc vào trung cung. Liệu các quan điểm, cách làm này có đúng?

Một vấn đề nữa nhiều người quan tâm là khi cúng động thổ, đổ móng, đổ mái, cất nóc, nhập trạch như thế nào thì đúng?

Hiện nay, thông thường khi khởi công xây dựng, sau khi làm lễ xong, người được tuổi sẽ đi động thổ. Người này sẽ dùng cuốc để cuốc những nhát đầu tiên. Có thể chọn làm 5 hay 9 hay 10 nhát cuốc, đây là những số đẹp, là số sinh theo cả Âm và Dương. Một lưu ý là khi cuốc phải cuốc làm sao để đất phải lật lên.

Mượn tuổi động thổ xây nhà là việc diễn ra phổ biến trong thực tế, bởi chủ nhà không được tuổi đứng động thổ hoặc khi xây cả một dự án hay một công trình lớn, mà chủ doanh nghiệp không thể đứng ra động thổ. Tuy nhiên, khi mượn tuổi cũng có một số vấn đề cần lưu ý.

.

Trên thực tế, rất nhiều người đến năm được thời vận để xây nhà và muốn khởi sự trong năm đó, bởi nếu để qua thời vận đó, thì lại không có đủ nguồn tiền để xây, hoặc khó vay mượn hoặc qua năm thì nguồn lực lại phải tập trung cho việc khác, thành ra tập trung cho xây nhà không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu xét theo phong thủy, thì đó chỉ là thời vận của Nhân, khi xây nhà còn phải xem thời vận của Thiên và Địa.

Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, thời vận của Thiên và Địa là quyết định lớn nhất. Nếu Thiên - Địa tốt thì mới có thể xây nhà được, còn thời vận của Thiên - Địa xấu thì không ai có thể đứng ra động thổ mà tốt được, dù có được tuổi đẹp như thế nào đi chăng nữa.

Nhiều người được tuổi, được năm đẹp xây nhà, nhưng cậy vào bản thân (hoặc đi xem thầy phong thủy chỉ biết xem Nhân - tuổi người, chứ không biết xem về Thiên - Địa) cứ quyết làm nhà bằng được, bất chấp gặp vận xấu về Thiên - Địa thì sẽ gặp nhiều hậu họa. Từ khi khởi công cho đến quá trình xây nhà, xây đến đâu gặp chướng họa và công việc xấu đi đến đó. Khi về ở lại càng thấy mọi việc bế tắc.

Như vậy, khi Thiên - Địa không được thời vận, thì bất kể tuổi nào đứng động thổ đều xấu theo cả tâm linh và phong thủy. Trong trường hợp này, kể cả việc mượn người khác động thổ, thì người đứng động thổ sẽ gặp những việc không hay tương tác, sau đó, người chủ về ở sẽ gánh tiếp những điều không tốt.

Chẳng hạn, dù một người không đứng tên mua ô tô, nhưng là người sở hữu và sử dụng xe đó, thì những tiêu chí an toàn của ô tô sẽ tương tác lên người sử dụng và ô tô đó có hao nhiều xăng, hay hỏng thì người sử dụng sẽ phải chi trả, chứ không phải người đứng tên mua hộ ô tô. Tuy nhiên, khi xảy ra sự vụ liên đới đến pháp luật, thì cơ quan nhà nước sẽ triệu tập đủ cả hai người.

Về mặt tâm linh, người động thổ thay và người chủ nhà vẫn cùng liên đới tâm linh tới đất và hiểu theo “Trần sao Âm vậy”, thì khi có sự vụ xảy ra, cơ quan nhà nước đường Âm sẽ quy chiếu 2 mệnh số của 2 người.

Một lô đất khi được thời vận để động thổ, mà chủ nhà lại không được tuổi, có thể là gia chủ phạm Kim lâu, Hoang ốc, Tam tai… thì đương nhiên là phải nhờ người khác đứng động thổ.

Để xem một năm người đó có được đứng động thổ hay không, không chỉ xem mỗi việc Kim lâu, Hoang ốc, Tam tai, Tam địa sát, hay xem sao hạn hàng năm là sao gì (Thổ Tú, Thái Bạch, La Hầu…), thầy xem chuẩn còn phải giải lá số để biết chính xác mệnh số người đó có những sao gì chiếu và đang ở trong vận nào, vận có những sao gì, năm khởi sự có bộ sao gì, rồi đối chiếu sự xung khắc giữa Thiên can - Địa chi của lá số với Thiên can - Địa chi của năm tháng ngày giờ khởi sự xem có bị khắc, xung phá, bị hình bị hại hay không thì mới có thể quyết định người đó có thể đứng ra động thổ hay không.

Trường hợp có nhiều người tham gia lễ động thổ (ví dụ như động thổ dự án), thường chỉ mang tính lễ nghi, còn người cùng thầy lễ xin động thổ mới giữ vai trò chính. Tuy nhiên, người tham gia khởi công vẫn liên đới, nhưng chẳng nhiều, người nào có ngày tháng năm giờ sinh mà phạm với ngày tháng năm động thổ thì chỉ liên lụy chút ít. Còn với người không phạm tuổi thì đương nhiên sẽ không bị ảnh hưởng gì.

Vì vậy, trong động thổ, quan trọng nhất vẫn phải xem Thiên thời và Địa lợi sau mới chọn đến Nhân hòa. Và việc nhờ người đứng động thổ là việc bình thường, không phải băn khoăn, nhưng cũng phải xem xét cho đầy đủ các yếu tố tương tác như ở trên.

Với một dự án lớn có nhiều người tham gia lễ khởi công, động thổ, nên cẩn trọng chọn người được tuổi, chứ không phải cứ tham gia chỉ để giải quyết câu chuyện đủ ban bệ, hay chỉ chú trọng truyền thông và làm hình ảnh.

Nhờ người động thổ cần lưu ý gì?

Khi mượn người khác động thổ, thì không chỉ người chủ nhà phải tránh mặt, mà những người có tuổi phạm cũng nên tránh lúc làm lễ và lúc động thổ. Xét theo trần gian, khi có sự vụ quan trọng diễn ra, những đối tượng không phù hợp, xung khắc xung phá nhau thì nên tránh mặt.

Nhiều người cũng có thắc mắc rằng, tại sao thường không thấy phụ nữ động thổ công trình. Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, quan điểm xưa nay phụ nữ xuất giá tòng phu, chăm lo thờ cúng nhà chồng. Nam giới là chủ gia đình và chịu trách nhiệm về việc thờ cúng, nên khi động thổ, nam giới phải đứng ra.

Về quy luật, khi có việc thì đương nhiên sẽ làm việc người đứng đầu cơ quan hay là chủ nhà, chứ người đứng đầu có nhà mà không có ý kiến là không đúng đạo lý.

Khi một gia đình xây nhà rồi lập ban thờ, thì thờ công đồng các quan thần linh bản thổ và cửu huyền thất tổ và gia tiên nhà nội, chứ ít khi thờ nhà ngoại, nên người đàn ông đứng động thổ để sau này thờ cúng là hợp tình hợp lý.

Cũng có thể thờ thêm nhà ngoại cùng một ban thờ, nhưng phải biết xắp đặt và phân chia cho hợp đạo lý thì thờ cúng mới vượng khí. Đấy là chưa nói trường hợp là xây nhà thờ chi, nhà thờ họ thì phụ nữ càng không thể đứng động thổ được.

Trường hợp phụ nữ đơn thân, chưa có gia đình thì khi xây nhà cho mình ở, tự mình đứng động thổ là đương nhiên. Nhưng trường hợp phụ nữ sau khi ly hôn có con trai ở cùng, thì cũng không nên tự mình động thổ, nên nhờ người khác. Ngoài ra, việc đặt thờ cúng cũng phải lưu ý sao cho tròn về đạo lý.

Còn với phụ nữ sau ly hôn mà chỉ có con gái, thì việc đặt thờ cúng có phần nhẹ nhàng hơn và đơn giản hơn. Khi xây nhà, xem năm được thời về thiên địa và năm được tuổi thì tự mình đứng động thổ vẫn tốt như nam giới.

Tin liên quan
Tin khác