Đầu tư và cuộc sống
Những ông lão, bà lão U80 Việt Nam nổi danh toàn cầu
Hạnh Nguyên - 05/07/2015 20:27
Tên tuổi của nhiều ông già, bà lão Việt không chỉ nổi danh trong nước mà còn được thế giới biết đến bởi tài kinh doanh, sự yêu nghề, gây dựng nên những thương hiệu nức tiếng.

Lão bà bán bánh mì Hội An nức tiếng 5 châu

Nhiều khách Tây khi đến Hội An không thể nào quên được hương vị của chiếc bánh mì ở tiệm bánh mì của cụ Nguyễn Thị Lộc (80 tuổi).

Quán nằm dưới mái hiên nhỏ hẹp, chỉ đủ kê hai chiếc bàn. Trước tủ kính là tên quán bằng tiếng Tây “Madam Khanh - The Banh mi Queen” viết bằng giấy, dán dưới tủ kính. Cụ Lộc cho hay, cái tên quán là do khách nước ngoài đến ăn và đặt, chứ cụ không biết tiếng Anh, tiếng Pháp. “Mấy cô phiên dịch đi với đoàn khách Tây bảo “The Banh mi Queen” có nghĩa là “Nữ hoàng bánh mì”, cụ nói.

Cụ Lộc tự tay làm bánh mì bán cho khách mỗi ngày
Khách Tây sau khi ăn bánh mì của cụ Lộc đã viết hàng trăm bức thư khen ngợi

Trên vách che làm bếp, nơi cụ bà đứng chiên trứng mỗi ngày, có đến cả trăm tờ giấy viết tay của khách nước ngoài ngợi ca, cảm ơn cụ đã cho họ ăn ổ bánh mì “ngon chưa từng thấy”. Tất cả đều khẳng định bánh mì Madam Khanh ngon nhất và rẻ nhất trên thế giới, chỉ với 20.000 đồng Việt Nam.

Bánh mì Madam Khanh được xếp hạng thứ 7 của TripAdvisor về các món ngon ở Hội An

Trên diễn đàn du lịch nổi tiếng TripAdvisor, hàng trăm du khách ghé tiệm Madam Khanh cũng không tiếc lời khen. Du khách bình chọn “The Banh mi Queen” xếp hạng thứ 7 về tiện ích, giá rẻ, ngon và an toàn trong số hàng trăm nhà hàng, tiệm ăn uống tại phố cổ Hội An.

Lão ông 90: 'Phù thủy' cocktail số 1 Việt Nam

Năm 12 tuổi, ông Nguyễn Xuân Ra (Đà Nẵng) vô Sài Gòn sống nhờ người chú. Để có tiền trang trải việc học, ông chú xin cho ông chân chạy bàn trong một nhà hàng người Pháp. Từ một cậu bé chạy bàn, ông Ra bắt đầu làm quen với pha chế cocktail mà người phương Tây thường uống.

Tủ rượu pha chế coctail Việt Nam của ông Ra

Sau đó, ông đi bộ đội, khi đất nước thống nhất về làm chủ xưởng thuốc lá, rồi làm Hiệu trưởng Trường Cơ khí Công nhân 455 Cách mạng tháng Tám - TP.HCM. Nhưng nghiệp pha chế rượu vẫn đeo bám ông cả đời. Đến năm 1996, ông xin nghỉ để hành nghề pha chế cocktail. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông tham gia giảng dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ, nghiệp vụ du lịch, các khóa đào tạo nghề cocktail cho các khách sạn, resort, bar,... trong và ngoài nước.

Ông Ra giới thiệu về cách pha chế coctail Việt Nam tại phòng làm việc.

Đến nay, sau hơn 30 năm sống chết với cocktail, khi đã ở tuổi 91, ông đã biên soạn 21 đầu sách về pha chế rượu. Nhiều lứa học trò gọi ông là “Đại lão phù thủy” cocktail Việt Nam.

Chính tay ông và học trò của mình đã chế biến hàng trăm loại cocktail thơm ngon từ các loại rượu mùi “made in Vietnam”. Mới đây, để chào mừng vịnh Hạ Long được bầu chọn vào top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ông đã sáng tạo 2 loại cocktail mang tên “Kỳ quan Hạ Long” và “Hạ Long ngày nay”, giá chỉ 20.000 đồng/ly.

Bà chủ tiệm bánh Như Lan: 40 năm nức tiếng Sài thành

Những năm đầu thập niên 70, bánh mì là một món ăn rất phổ biến. Bánh mì thường chế biến theo kiểu Pháp; tuy ngon nhưng cứng và hơi mặn; ăn kèm với xúp, thịt, cá hoặc dùng không nhưng chưa hợp gu người Việt. Là người yêu thích hương vị bánh mì từ nhỏ, sau này lại lấy ổ bánh mì làm kế sinh nhai, Nguyễn Thị Dậu quyết tâm xây dựng thương hiệu bánh mì riêng của mình - “thương hiệu bánh mì Như Lan”.

Đó là loại bánh mì đặc ruột vỏ giòn, trông cứng cáp bên ngoài nhưng lại mềm xốp bên trong. Ổ bánh mì Như Lan to, tròn khác hẳn ổ baguette mình thon dài ngoằng của Pháp.

70 tuổi, bà Dậu - chủ tiệm bánh Như Lan - vẫn bình thản giữa những tin đồn

Gia vị sử dụng đã giảm bớt độ mặn vì theo bà, người Việt quen dùng bánh mì với các loại nước thịt, nước phở, sữa,... nên hương vị bánh mì Như Lan thích hợp với thói quen ẩm thực VN hơn. Chính công thức này đã làm nên cột mốc thương hiệu bánh mì Như Lan trong suốt 40 năm qua.

Bao năm sau những tin đồn về cuộc tình với ca sĩ Mỹ Tâm, sang Campuchia đánh bạc thua đến độ bán cả tiệm bánh, bà chủ tiệm bánh Như Lan vẫn bình thản đếm tiền giữa những tin đồn động trời về mình.

Ông vua xích lô “Không lo âu”

Ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ xích lô Du lịch Sans Souci, 65 tuổi, vẫn ngỡ nghề phu xe như một cơ duyên. Vốn sinh ra trong một gia đình trí thức, mơ ước của cậu bé Thư là được trở thành một thầy giáo. Năm 1981, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm với tấm bằng giỏi. Song, nhiều năm mong ngóng chờ đợi, ông vẫn không nhận được hồi âm nào từ phía Sở Giáo dục.

Ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ xích lô Du lịch Sans Souci

Ông làm đủ nghề để mưu sinh. Ban ngày thầy giáo trẻ vận sơ mi đi dạy, ban đêm đội mũ lụp xụp đạp xích lô. Rồi gánh nặng cơm áo gạo tiền, chẳng còn cách nào khác, ông đánh cược cuộc đời với nghề xích lô. Từ những chiếc xích lô chở đồ, vợ chồng ông Thư quyết tâm đầu tư mua một chiếc xích lô mới để chở khách tham quan quanh phố cổ.

Trong số các hãng xích lô ở Hà Nội, hãng xích lô Sans Souci Sarl là phương tiện “đặc nhiệm” chuyên phục vụ người nước ngoài

Từ năm 1994 trở đi, số lượng xích lô không ngừng tăng từ 5 lên 15 chiếc và đến nay là hơn 100 chiếc. Năm 2008, Công ty TNHH dịch vụ xích lô du lịch Sans Souci Sarl chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Sans Souci Sarl - “Không lo âu” là câu nói cửa miệng của người Pháp. Ông rất thích cái tên này và nó nhanh chóng có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tin liên quan
Tin khác