Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ gia đình ở Đà Nẵng đầu tư sản xuất, kinh doanh |
Triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Kết luận số 06-KL/TW), chính quyền TP. Đà Nẵng dành sự quan tâm ngày càng lớn cả về chính sách và nguồn lực cho công tác này.
Theo đó, thời gian qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với NHCSXH xây dựng kế hoạch tín dụng các chương trình tín dụng chính sách xã hội 5 năm, 3 năm và hàng năm. Đồng thời, bố trí dự toán ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo hướng đối ứng với tổng nguồn vốn Trung ương bố trí, đảm bảo kịp thời, phù hợp, đúng quy định.
Cụ thể, UBND Thành phố chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH nhận bàn giao từ Quỹ hỗ trợ cho vay hoàn lương do UBND Thành phố quản lý 293 trường hợp, với dư nợ 775,87 triệu đồng và nhận số tiền đã thu hồi được trong quá trình xác minh để triển khai cho vay 660,37 triệu đồng. UBND các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu đã chuyển nguồn vốn ủy thác từ Hội Nông dân quận sang NHCSXH để cho vay đối với hội viên Hội Nông dân, số tiền là 837,5 triệu đồng. Đồng thời, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương (cấp thành phố và cấp huyện) để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Theo đó, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 5.022,72 tỷ đồng, tăng 3.802,77 tỷ đồng (311,77%) so với năm 2014, trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.817,88 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% trên tổng nguồn vốn, tăng 1.688,77 tỷ đồng (149,57%) so với năm 2014 (nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về đạt 2.342,47 tỷ đồng, tăng 1.307,65 tỷ đồng (126,36%) so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 47% trên tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 475,4 tỷ đồng, tăng 381,11 tỷ đồng (404,23%) so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 9% trên tổng nguồn vốn); nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 2.204,56 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44%, tăng 2.113,95 tỷ đồng (2.332,87%) so với năm 2014.
UBND các cấp đã ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến ngày 30/6/2024 đạt 2.113,95 tỷ đồng (trong đó Thành phố tăng 2.102,6 tỷ đồng, huyện Hòa Vang tăng 11,3 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2024 đạt 2.204,56 tỷ đồng.
Việc huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội chủ yếu qua hình thức gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân. Số dư huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân đến ngày 30/6/2024 đạt 202,25 tỷ đồng, tăng 194,78 tỷ đồng so với năm 2014.
Nhằm tạo điều kiện cho tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hành tiết kiệm và từng bước tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, thời gian qua, NHCSXH đẩy mạnh thực hiện huy động tiền gửi thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến ngày 30/6/2024, đạt 273,14 tỷ đồng, tăng 186,33 tỷ đồng (tăng 214,64%) so với năm 2014.
Hiện nay, Thành phố đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng (14 chương trình tín dụng chính sách của Trung ương và 12 chương trình tín dụng chính sách địa phương quy định). Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 11.090,55 tỷ đồng, với 247.164 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 7.718,04 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.011,73 tỷ đồng, tăng 3.794,7 tỷ đồng so năm 2014, với 85.919 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 58,33 triệu đồng, tăng 43,18 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm đạt 3.694,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,71% trên tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.317,53 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,29% trên tổng dư nợ. Dư nợ tập trung một số chương trình lớn như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt dư nợ 3.439,38 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đạt dư nợ 925,53 tỷ đồng; cho vay cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt dư nợ 197,22 tỷ đồng.