Hiện có 3 ngân hàng phải chuyển giao theo hình thức bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đến thời điểm này, Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng trên và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5/2024 để hoàn tất việc bàn giao trong năm 2024.
Trước đó, vào năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.
Liên quan đến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, tại ĐHĐCĐ 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Sẽ hoàn tất quá trình chuyến giao ngân hàng yếu kém trong năm nay. |
Về vấn đề này, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình.
Ngân hàng đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ: rà soát quy định nội bộ và phát hiện ra hơn 300 gaps (khoảng trống, thiếu sót). Hiện đã chỉ còn 20 gap về quy trình, quy chế. Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như: bán cổ phần, M&A.
Ngoài Vietcombank, còn có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank. Chủ tịch MB ông Lưu Trung Thái cũng cho hay, HĐQT Ngân hàng cũng đã trình và hoàn tất mọi thủ tục từ phía MB và hiện tại chỉ đợi kết quả phê duyệt từ các cơ quan chức năng. Còn phía ngân hàng đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao.
Về tiến độ, MB đã xong đề án và trình lên Chính phủ và đang được xử lý tại Ngân hàng Nhà nước. MB kỳ vọng tiến độ có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc trong năm 2025. .
Tuy nhiên, MB không sáp nhập ngân hàng mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi nhận về, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Và sau khi hết thời gian cơ cấu, mới tính đến việc là có thực hiện sáp nhập, thoái vốn.
Bên cạnh việc hoàn tất bán 15% cổ phần cho SMBC mang về tỷ USD, VPBank còn tham vọng khi nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém trong nước. Cụ thể, mới đây nhất, bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, đến thời điểm này, ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ đại hội cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ đại hội năm 2023 - 2024, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất, phê duyệt của các ngân hàng.
HDBank là một trong 4 ngân hàng được đánh giá có hoạt động lành mạnh, năng lực tài chính tốt được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn để tham gia đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.. Theo Phó chủ tịch thường trực HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tham gia cơ cấu một ngân hàng khác là vinh dự và trách nhiệm. Khi tham gia chương trình này HDBank có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.
Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.
Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ 2024 về việc HDBank tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác, bà Thảo cho hay, HDBank được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là một ngân hàng có năng lực tài chính, năng lực quản trị và ở trong một điều kiện sẵn sàng để hỗ trợ các cái chương trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng, hỗ trợ các các tổ chức tín dụng, để có thể tiếp tục hoạt động lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Trong ngành ngân hàng, HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công 2 dự án M&A, gồm sáp nhập một ngân hàng thương mại và mua lại một công ty tài chính.
Cụ thể, HDBank hoàn tất 2 thương vụ M&A đình đám là sáp nhập DaiA Bank và mua lại Công ty SVGF. Cả hai thương vụ này diễn ra vào thời điểm ngành ngân hàng đang phải tái cấu trúc, rất nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt, âm vốn chủ sở hữu…