Ứng dụng Monkey Junior đạt 1,5 triệu người dùng
Ra đời từ năm 2014, Monkey Junior là sản phẩm tâm huyết của anh Đào Xuân Hoàng, kỹ sư Công Nghệ trường Đại học Kỹ thuật Sydney. Đây là ứng dụng giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech-I 2016) được tổ chức tại thung lũng Silicon (Mỹ), vượt qua 1.075 hồ sơ đến từ 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Anh Đào Xuân Hoàng, nhà sáng lập ứng dụng Monkey Junior. |
Xuất phát từ chương trình bé học tiếng Anh, Monkey Junior nghiên cứu đặc điểm phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ và hợp tác với nhiều chuyên gia đầu ngành về giáo dục, xây dựng nên các phương pháp học ngoại ngữ cuốn hút thiếu nhi. Ứng dụng này xây dựng nhiều nội dung đa phương tiện: hình ảnh, video và âm thanh vui nhộn, ngộ nghĩnh và quen thuộc, nhằm giúp trẻ hiểu bài học nhanh.
50 chủ đề gần gũi về cuộc sống còn giúp bé trang bị thêm kiến thức khoa học, xã hội, kỹ năng mềm. Monkey Junior không chỉ là chương trình giáo dục sớm được yêu thích nhất tại Việt Nam, mà còn là ứng dụng học đọc phổ biến nhất trên App Store, Google Play tại Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác.
Hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới đang sử dụng Monkey Junior. Ngoài tiếng Anh, Monkey Junior hiện cung cấp thêm chương trình học tiếng Pháp và Việt cho trẻ nhỏ. Sắp tới, sẽ cho ra mắt tiếng Trung, Tây Ban Nha và Nga.
Ứng dụng Money Lover có hơn 5 triệu lượt cài đặt
Người sáng lập ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân Money Lover, Ngô Xuân Huy cho biết ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân. Theo anh Huy, cách đây 4 năm, các sản phẩm quản lý chi tiêu khác đều mang tư duy thiết kế của người làm kế toán, chỉ phù hợp với những ai có kiến thức về tài chính. Ngoài ra, chúng được phát triển trên máy tính, không mang lại trải nghiệm tốt trên điện thoại.
Do đó, ông chủ 8x phát triển Money Lover với mong muốn xây dựng một ứng dụng quản lý chi tiêu trên mobile: đơn giản, thông minh và phù hợp với đa số người dùng.
Sau một tháng tự phát triển, anh đã có sản phẩm để dùng cho bản thân đồng thời đưa lên Google Play để chia sẻ miễn phí cho những người sử dụng thiết bị Android khác.
Money Lover là ứng dụng hiển thị hàng đầu khi bạn tìm kiếm các từ khóa về quản lý chi tiêu và tiền bạc trên chợ ứng dụng. Sau 4 năm, Money Lover được dịch ra 30 ngôn ngữ, đạt hơn 5 triệu lượt cài đặt và một triệu người sử dụng thường xuyên.
Ngô Xuân Huy, nhà sáng lập Money Lover. |
Money Lover có đầy đủ tính năng mà một ứng dụng quản lý chi tiêu phải có, song tích hợp thêm 2 điểm khác biệt với sản phẩm cùng loại. Đầu tiên là hỗ trợ nhập liệu tự động (auto tracking) từ nhiều nguồn khác nhau như SMS, email, dịch vụ, cổng thanh toán online và tài khoản ngân hàng. Người dùng không phải làm gì nhưng vẫn có được báo cáo chi tiết về tình hình chi tiêu của bản thân.
Ưu điểm thứ 2 là giúp người dùng theo dõi giao dịch từ nhiều nguồn khác nhau, hiểu tâm lý khách hàng và đưa ra các giải pháp trí tuệ nhận tạo (AI). Ví dụ như báo cáo tự động, nhắc nhở người dùng nhanh chóng điều chỉnh hành vi chi tiêu, gợi ý dùng tiền thông minh mà không lãng phí...
Ứng dụng Ella Study kết nối trực tuyến hàng triệu du học sinh
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Marketing (Đại học Linnaeus, Thụy Điển), ông chủ 8x Đỗ Xuân Khoa nhận thấy nhiều bạn trẻ lo lắng về nguồn tiền, học bổng, chuyên ngành, quốc gia trước khi du học. Hầu hết sinh viên đều thông qua các trung tâm tư vấn để làm thủ tục du học, song chưa được hướng nghiệp ngành và trường phù hợp với bản thân.
Việc thiếu thông tin có thể khiến sinh viên lãng phí hàng chục nghìn USD học phí và 3 năm tuổi trẻ. Còn với các trường đại học, sự không phù hợp dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên quốc tế giảm, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo chung.
Đỗ Xuân Khoa - ông chủ 8x phát triển Ella Study. |
Từ đó, Xuân Khoa manh nha tìm giải pháp khắc phục vấn đề này. Ella Study ra đời giúp kết nối trực tuyến sinh viên với du học sinh thông qua từ khóa. Ứng dụng có cơ sở dữ liệu 100.000 khóa học trên toàn cầu và hàng nghìn người. Sinh viên sẽ tạo tài khoản, cập nhật từ khóa về khó khăn hoặc mong muốn của bản thân.
Hệ thống sẽ tự động kết nối với hồ sơ các du học sinh để tư vấn trực tuyến bằng video, voice call. Các trường đại học cũng có thể đưa ra những từ khóa mô tả học viên phù hợp với chương trình của mình nhất, để tìm kiếm ứng viên phù hợp trên Ella.
Sau 7 tháng xây dựng, Ella Study đã tung phiên bản thử nghiệm đầu tiên. Chỉ trong 2 tháng, Ella Study thu hút hơn 900 người đăng ký. Hai tuần giữa tháng 10 nhận được hơn 300 lượt đăng ký sử dụng sản phẩm. Hiện Ella hợp tác chiến lược với các trường đại học lớn, và Amazon khu vực Đông Nam Á.
Thị trường hướng tới của Ella Study là Việt Nam, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc, các quốc gia châu Mỹ La tinh với hơn 2,4 triệu du học sinh và thị trường du học 3,7 tỷ USD mỗi năm, tăng trưởng trên 7% hàng năm.