Những điều kiện cần
Mặc dù cần phải chờ Hội đồng Thành viên phê duyệt, nhưng phương án chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines tại cảng Hải Phòng được đánh giá là có tính khả thi cao. Cụ thể, Vinalines dự kiến thoái 97.057.400 cổ phần, tương đương 29,68% vốn điều lệ để giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại cảng Hải Phòng từ 94,68% xuống 65%.
Được biết, với giá đóng cửa ngày 19/8/2015 là 16.000 đồng/cổ phiếu, Vinalines dự kiến thu về khoảng 1.552,9 tỷ đồng. “Ngoài việc có thêm nguồn lực phục vụ công tác tái cơ cấu Tổng công ty, đặc biệt là tái cấu trúc các khoản nợ, nếu thoái vốn thành công, cảng Hải Phòng sẽ thu hút được nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật, công nghệ, tài chính”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết.
Việc thoái gần 1 tỷ cổ phần cảng Hải Phòng của Vinalines sẽ được thực hiện ngay trong quý IV/2015 |
Do cảng Hải Phòng đã niêm yết cổ phiếu và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nên Vinalines chọn hình thức giao dịch thỏa thuận trực tiếp thông qua một công ty chứng khoán làm đơn vị trung gian tư vấn thực hiện thoái vốn. “Phương thức này sẽ giúp Vinalines lựa chọn được nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ tối đa về công nghệ, kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý, dù thời gian có thể kéo dài, thủ tục phức tạp hơn so với phương thức khớp lệnh”, lãnh đạo Vinalines giải thích.
Với mục tiêu này, Vinalines đã đưa ra 4 điều kiện cần để có thể lựa chọn được cổ đông có tiềm lực. Đáng lưu ý là, bên cạnh tiêu chí tài chính lành mạnh, không dùng vốn vay để tài trợ cho khoản đầu tư, để “lọt vào mắt xanh” của Vinalines, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm vận hành, khai thác cảng biển nước sâu tối thiểu 3 năm; sẵn sàng tham gia hoặc hỗ trợ cảng Hải Phòng đầu tư vào khu Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và đưa cảng Hải Phòng trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển toàn cầu.
Theo lãnh đạo Vinalines, sau khi cân nhắc, đàm phán và lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, Vinalines và nhà đầu tư sẽ tiến hành giao dịch thỏa thuận trực tiếp trên sàn HNX. Mặc dù Tổng công ty không nói rõ lộ trình, nhưng theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, việc thoái gần 1 tỷ cổ phần cảng Hải Phòng sẽ được thực hiện ngay trong quý IV/2015.
Nhà đầu tư ngoại nắm lợi thế
Theo công bố của Vinalines, hiện có ít nhất 3 nhà đầu tư lớn đang cân nhắc trở thành cổ đông tại cảng Hải Phòng là: Quỹ Dự trữ quốc gia Oman - SGRF (hoặc công ty con 100% vốn sở hữu bởi SGRF); Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) và Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, với những điều kiện cần nêu trên, nhà đầu tư đến từ Trung Đông đang nắm lợi thế, khi cả hai nhà đầu tư nội đều chưa từng có kinh nghiệm quản trị, khai thác cảng biển.
Bản thân Vinalines cũng rất kết đối tác đến từ Trung Đông khi đầu năm 2015, tổng công ty này đã nhiều lần đề xuất nhượng 97 triệu cổ phần cảng Hải Phòng cho SGRF. Theo Vinalines, SGRF cam kết, nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược, SGRF sẽ hỗ trợ khoảng 2 triệu USD/năm trong vòng 3 năm cho đội ngũ chuyên gia, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả cảng Hải Phòng để đưa cảng biển này trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển toàn cầu.
Theo thông tin mà Vinalines cung cấp, đối tác Oman có một sơ yếu lý lịch rất “hoành tráng”. Cụ thể, SGRF được thành lập năm 1980 bởi Chính phủ Oman, với tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD. Về cảng biển, SGRF đã và đang đầu tư nhiều cảng biển lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Brazil, với tổng giá trị trên 1 tỷ USD.
Tại cảng Kumport, sản lượng hàng hóa qua đây đã tăng 52%, chỉ sau 3 năm được SGRF đầu tư và trở thành cảng biển lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. “Nếu cổ phần được bán cho SGRF, Vinalines vừa có dòng tiền thực trả nợ, vừa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn để phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, một chuyên gia nhận xét.