Viễn thông - Công nghệ
Nhượng quyền bưu cục chuyển phát nhanh: Tên tuổi ngoại “phủ sóng” thị trường
Anh Hoa - 07/09/2021 09:16
Thị trường logistics tại Việt Nam khá phân mảnh và còn rất nhiều tiềm năng, nhưng trong cuộc chơi này, các tên tuổi ngoại với sự hậu thuẫn của của những“gã khổng lồ” đang thể hiện sức mạnh vượt trội.
Thị trường chuyển phát nhanh tại Việt Nam đang rất sôi động. Trong ảnh: Nhân viên BEST Express Việt Nam bận rộn với các đơn hàng

Mô hình lợi ích “kép”

Ở tuổi ngoài 40, từng có 16 năm làm nhân viên ở công ty điện lực, nhưng anh Tuấn vẫn quyết định nhảy ra kinh doanh riêng. Anh chọn mảng chuyển phát nhanh khi trở thành đối tác nhượng quyền thương hiệu bưu cục chuyển phát nhanh trên cả nước của BEST Express Việt Nam, thuộc BEST Inc. - một trong những “ngôi sao mới nổi” sáng nhất thị trường logistics Trung Quốc vài năm trở lại đây.

Tháng 10/2019, anh Tuấn mở bưu cục đầu tiên tại phường Bình Trị Đông (Bình Tân, TP.HCM) với 5 nhân viên. Tháng 6/2020, anh mở bưu cục thứ 2 tại số 713 - Quốc lộ 1A (Bình Hưng Hòa, Bình Tân) với diện tích gần 300 m2. Hiện bưu cục này có khoảng 50 nhân viên, trung bình giao 1.000 - 1.200 đơn hàng/ngày và lên tới 2.000 - 2.500 đơn hàng/ngày vào các tháng cao điểm, doanh thu tăng gấp 8 - 10 lần so với thời điểm vừa thành lập.

Doanh nghiệp hoạt động trên thị trường logistics Việt Nam

- Tổng số: ~ 30.000 doanh nghiệp

- Doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ chiếm tỷ lệ 59,02%

- Doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải chiếm tỷ lệ 33,26%

- Doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát chiếm tỷ lệ 2,34%

- Doanh nghiệp vận tải đường thủy: 5,27%

- Doanh nghiệp vận tải hàng không: 0,02%

- Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác: 0,09%

Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2020 của Bộ Công thương

Từ khi đợt Covid-19 lần thứ tư hoành hành, anh Tuấn bận rộn đến chóng mặt, phải huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu giao, nhận hàng hóa. Có vẻ, cam kết lấy lại vốn nhanh, hoàn vốn chỉ  trong 6 - 12 tháng và mở rộng mô hình kinh doanh chỉ sau 1 năm của BEST Express đang được chứng minh.

Khi lên kế hoạch khởi nghiệp, anh Tuấn từng băn khoăn giữa lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, nhưng đã quyết định chọn logistics (chuyển phát nhanh).

Lý do là, thương mại điện tử phát triển mạnh, nhưng phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tài chính... Chưa kể, để kích cầu tiêu dùng, phải triển khai nhiều chương trình tiếp thị, giảm giá, liên tục nghiên cứu nhập các mặt hàng phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Trong khi đó, mô hình bưu cục nhượng quyền đã vận hành trơn tru, mạng lưới rộng khắp Việt Nam.

Anh Tuấn nhắm tới BEST Express Việt Nam bởi hệ thống này đang có mạng lưới bưu cục ở 63 tỉnh, thành phố với công nghệ quản lý, giám sát hàng hóa hiện đại cùng đội ngũ nhân viên vận hành, quản lý hỗ trợ đối tác. Ngoài ra, đối tác nhận nhượng quyền từ BEST Express còn được hưởng lợi với tệp khách hàng cố định của tên tuổi này, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như VGS Home Shopping, SCJ Home Shopping, VTV Huyndai, Lazada, Sendo… 

Ở Đông Nam Á, BEST Inc. đã xây dựng được mạng lưới chuyển phát nhanh tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Riêng tại Việt Nam, nhằm rút ngắn thời gian trung chuyển hàng hóa giữa các bưu cục đến trung tâm phân loại, BEST Inc. đầu tư xây dựng 7 trung tâm lớn và 23 địa điểm quy mô nhỏ, phân bố từ Bắc vào Nam, tập trung tại những nơi trọng điểm về vận tải và kinh tế.

Ông Nelson Wu, Tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam cho biết, các đơn vị kinh doanh online có thể dễ dàng kết nối trực tiếp với hàng chục ngàn nhà cung ứng quốc tế, tìm kiếm nguồn hàng phù hợp với chi phí hợp lý mà không cần lo lắng về quy trình vận chuyển.

Thị trường sôi động

Từ năm 2019, thị trường chuyển phát nhanh tại Việt Nam bắt đầu sôi động nhờ sự hiện diện của các tên tuổi nước ngoài như BEST Express, ZTO Express.

Với BEST Express, nhà đầu tư cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ muốn nhận nhượng quyền bưu cục của thương hiệu này, cần đầu tư khoảng 1 tỷ đồng (gồm chi phí cơ sở vật chất khoảng 500 - 700 triệu đồng, còn lại là tiền ký quỹ và phí nhượng quyền).

Sau BEST Express, giữa năm 2019, ZTO Express đặt chân vào thị trường Việt Nam, cũng với chiến lược nhượng quyền. Với mỗi bưu cục của ZTO Express, người nhận quyền phải thanh toán cho hãng này 50.000 nhân dân tệ (khoảng 165 triệu đồng) tiền ký quỹ và 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) tiền bảo trì hệ thống cho hợp đồng không thời hạn. Tuy nhiên, mỗi bưu cục chỉ được khai thác 1 quận/huyện.

ZTO đã mở chi nhánh ở các vùng trọng điểm kinh tế như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang…; thành lập 3 trung tâm trung chuyển chính tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Cũng theo đuổi mô hình nhượng quyền điểm gửi hàng, một start-up của Việt Nam có tên SuperShip đã được thành lập vào năm 2015. SuperShip mang khát khao trở thành đơn vị số 1 trên thị trường giao hàng, thu tiền hộ tại Việt Nam và chào giá “mềm” hơn các đối thủ ngoại.

Cụ thể, đối tác tham gia mở điểm gửi hàng SuperShip phải có sẵn mặt bằng với diện tích tối thiểu 10 m2 (ưu tiên mặt tiền đường chính, mặt tiền đường hẻm lớn) và trả khoản phí nhượng quyền khoảng 35 - 40 triệu đồng.

Hiện SuperShip đã mở rộng hơn 250 bưu cục trên toàn quốc, với đội ngũ hơn 20.000 nhân viên, cung cấp dịch vụ giao hàng cho hơn 30.000 khách hàng trên toàn quốc.

Ai sẽ giành lợi thế?

Mô hình nhượng quyền bưu cục đang “nở rộ” tại Việt Nam, với sự góp mặt của những tên tuổi như YTO Express, STO Express, SF Express (Trung Quốc), InExpress (Anh)... Trong cuộc chơi này, BEST Inc. đang tỏ rõ sức mạnh.

Việc BEST Inc. “bắt tay” Cainiao Network (thuộc Tập đoàn Alibaba) thiết lập dịch vụ hậu cần quốc tế càng cho thấy rõ chiến lược trọng tâm của họ tại khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu trong vòng 5 năm tới, BEST Inc. sẽ thiết lập hệ thống kết nối toàn khu vực châu Á. Trong đó, lượng bưu kiện ở thị trường Việt Nam đạt tối đa và dẫn đầu trong ngành này.

Ông Johnny Chou, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành BEST Inc. thừa nhận, khó khăn nhất của Công ty khi gia nhập thị trường Việt Nam chính là vấn đề nhân sự. Dù có công nghệ, nhưng nếu không có nhân sự phù hợp để sử dụng công nghệ, thì cũng không hiệu quả.

Tuy nhiên, thiếu nhân sự chất lượng cao là khó khăn chung của tất cả doanh nghiệp trong mảng logistics, nên BEST Inc. vẫn tự tin đạt được tham vọng của mình. Gốc của BEST Inc. là công ty công nghệ, với siêu ứng dụng thông minh, đa phương tiện, nên có thể giúp các nhà bán lẻ, nhà nhượng quyền...

Tự định vị là nền tảng công nghệ kết nối chuỗi cung ứng logistics, nên BEST Inc. chỉ thu mua doanh nghiệp khi cần thiết, còn lại sẽ thuê ngoài. Hình thức nhượng quyền thương hiệu bưu cục chính là một giải pháp hữu hiệu để thực hiện ý định đó.

Đặc biệt, vai trò “cánh tay nối dài” của Tập đoàn Alibaba là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của BEST Inc. Năm 2017, sau thương vụ IPO không như kỳ vọng ở thị trường Mỹ, BEST Inc. đã được Alibaba đầu tư thêm khoảng 150 triệu USD.

Với vốn hóa thị trường hiện khoảng 790 triệu USD, BEST là một cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Alibaba Group Holding hiện là cổ đông lớn nhất, với 33% cổ phiếu đang lưu hành. Ông Johnny Chou là cổ đông lớn thứ hai, với 11% cổ phiếu phổ thông, còn China Renaissance Capital Investment nắm giữ khoảng 8,7%.

BEST Inc. đang tìm kiếm cơ hội niêm yết tại Hồng Kông cho các công ty chuyển phát nhanh và vận chuyển hàng hóa của mình, với kỳ vọng tăng định giá và thiết lập cơ sở đầu tư gần Trung Quốc hơn. Điều này lý giải vì sao BEST Inc. tích cực đầu tư mạnh hơn vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Khoảng 2 năm trở lại đây, dịch vụ hậu cần thương mại điện tử (e-logistic) trở thành miếng mồi mới của Alibaba. “Gã khổng lồ” này đang từng bước mở rộng thị trường quốc tế thông qua nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực e-logistic với các hãng dịch vụ viễn thông trên thế giới.

Ngay cả Lazada, sau khi nhận đầu tư 4 tỷ USD từ Alibaba, cũng đã tập trung phát triển mạng lưới giao nhận đáp ứng tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam. Sàn thương mại điện tử này cũng mới thay đổi nhận diện thương hiệu cho mảng dịch vụ giao nhận là Lazada Logistics, bổ sung dịch vụ giao vận đa kênh, giúp các nhà cung cấp dịch vụ và thương hiệu hoàn thiện khâu giao vận trên tất cả kênh thương mại điện tử một cách thông suốt.

Trở lại với BEST Inc. Việt Nam, mục tiêu trong năm nay của doanh nghiệp này là nâng cao năng lực khai thác đơn hàng của hệ thống nhượng quyền lên gấp 6 lần so với năm trước. Để đạt được mục tiêu đó, BEST Inc. buộc phải mở thêm khoảng 1.000 bưu cục trên toàn quốc, mở rộng diện tích kho bãi, tăng cường đầu tư hạ tầng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa để nâng cao hiệu suất xử lý hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đầu năm nay, BEST Inc. Việt Nam đã đưa vào vận hành Trung tâm Phân loại tự động tại TP.HCM, có quy mô gần 40.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 8 triệu USD và một trung tâm quy mô tương tự tại Hà Nội vận hành vào tháng 6.

Có thể thấy, với quy mô thị trường logistics phân mảnh như Việt Nam (90% doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, 5% có vốn 10 - 20 tỷ đồng, còn lại là hơn 20 tỷ đồng), thì cơ hội cho các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào mô hình nhượng quyền bưu cục chuyển phát nhanh còn rất lớn. BEST Inc. đã sớm nhìn thấy điều này và đang nỗ lực “phủ sóng”. Thị trường còn rất nhiều tiềm năng, nhưng đến thời điểm này, “sân chơi” vẫn chủ yếu dành cho các tên tuổi ngoại.

Tin liên quan
Tin khác