Năm 2021 sẽ là năm ngành chuyển phát đón nhận cơ hội lớn, song hành cùng sự cạnh tranh quyết liệt. |
Ngành tăng trưởng 2 con số
Nếu start-up dịch vụ giao hàng Instacart (Mỹ) gây sóng lớn khi được định giá 39 tỷ USD vào tháng 3/2021, thì tại Việt Nam, dịch vụ giao hàng trực tuyến cũng đang “hot” không kém, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử.
Kết thúc năm 2020, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là, thị trường giao hàng trực tuyến sẽ phát triển tương ứng.
Mới đây, start-up giao đồ ăn và thương mại điện tử của Việt Nam là Loship đã công bố khoản đầu tư mới nhất từ ông Jaan Tallinn, nhà đồng sáng lập phần mềm Skype, thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship cho biết, nguồn vốn mới này sẽ được sử dụng để mở rộng mạng lưới giao hàng, phát triển nhân sự, công nghệ và thị trường.
Còn Best Inc Việt, đầu năm 2021, đã quyết định đầu tư 8 triệu USD để xây trung tâm phân loại tự động ở TP.HCM, đặt mục tiêu thiết lập độ phủ toàn quốc cho mạng lưới chuyển phát nhanh với công suất chuyển phát 150.000 bưu kiện/ngày và trong vòng 3 năm sẽ tăng công suất lên gấp đôi.
Trước đó, năm 2020, GD Express (Malaysia) đã rót gần 3,3 triệu USD để sở hữu 50% Công ty Chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco), đặt nền tảng cho việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…
Các đại gia như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Viettel Post cũng không tiếc tiền đầu tư vào hạ tầng. Năm 2020, cùng với việc quy hoạch mạng lưới kho tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Viettel Post đã đầu tư, xây dựng nâng tổng diện tích kho lên 100.000 m2, gấp 2 lần so với năm 2019.
Còn Vietnam Post trong năm 2020 đã đưa vào vận hành 2 trung tâm vận chuyển khu vực và 8 trung tâm khai thác vận chuyển tại các tỉnh trọng điểm.
Xuất hiện nhiều đối thủ mới
Bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường giao hàng trực tuyến có sự gia nhập thêm của các đối thủ ngoại khá mạnh như J&T Express, Best Express. Đây là những “tay chơi” đã khuấy động thị trường bằng thị phần và giá, đồng thời đưa mô hình nhượng quyền trong kinh doanh chuyển phát nhanh đến Việt Nam, với lợi thế tốc độ mở rộng nhanh với chi phí thấp. Doanh nghiệp chuyển phát nước ngoài đã nhanh chóng giành thị phần, buộc một số công ty trong nước như Vietnam Post và Viettel Post phải giảm giá dịch vụ 10 - 15%.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post nhận định: “Đã đến lúc, chúng tôi phải tái đầu tư không chỉ vào công nghệ, mà còn là hạ tầng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp logistics nước ngoài đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, vươn mình, làm chủ về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì một ngày nào đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ biến mất trên chính đất nước mình”.
Còn ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết, để thực hiện mục tiêu doanh thu đạt hơn 133.000 tỷ đồng vào năm 2030, cùng với định hướng xây dựng hạ tầng bưu chính, tập trung phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ thương mại điện tử và logistics, Tổng công ty đã và đang triển khai kế hoạch xây dựng, kiện toàn, hiện đại hóa các trung tâm khai thác vận chuyển vùng, xây dựng hạ tầng hiện đại, đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác, vận chuyển hàng hóa giao thương giữa các tỉnh, thành phố, các khu vực trên khắp cả nước, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử và logistics trong thời gian tới.
Về triển vọng năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, mặc dù thị trường chuyển phát nhanh sẽ cạnh tranh gay gắt, song phân khúc thị trường có thể hình thành khi đã có đủ người chơi. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp chuyển phát nhanh sẽ tập trung tối ưu hóa chi phí. Sau vài năm, các công ty có thể bắt đầu phân loại thị trường.
SSI nhận định, với xu hướng như vậy, những công ty nhượng quyền/chi phí thấp sẽ tập trung vào thị trường đại chúng, trong khi những công ty thông thường có khả năng tập trung vào thị trường cao cấp. Bên cạnh đó, những công ty mới tham gia thị trường trong khu vực sẽ không bỏ qua thị trường Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu dân, cùng tiềm năng tăng trưởng chuyển phát nhanh mạnh mẽ. Do vậy, theo SSI, trong tương lai, giá bán bình quân trong ngành có thể sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn nữa.
Như vậy, năm 2021 sẽ là năm ngành chuyển phát đón nhận cơ hội lớn, song hành cùng sự cạnh tranh quyết liệt. Rất có thể, sẽ diễn ra cuộc “so găng” giành thị phần giữa các doanh nghiệp Việt với các nhà kinh doanh chuyển phát xuyên quốc gia.