Thương chiến Mỹ - Trung là một trong những mối họa lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu và các thị trường tài chính trên thế giới. Ảnh: AFP |
Vì lợi ích chung
Tham gia chương trình “Squawk Box” mới đây của đài CNBC, cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao) cho rằng, Trung Quốc và Mỹ phải ngồi lại bàn thảo nghiêm túc để đạt thoả thuận thương mại, vì tranh chấp giữa hai siêu cường kinh tế tác động tới phạm vi toàn cầu. Hai bên có thể đạt thỏa thuận với sự tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung và bình đẳng.
Điều đó (thỏa thuận) không chỉ quan trọng với Trung Quốc và Mỹ, mà với cả thế giới, bởi các nền kinh tế đều đang bị “liên đới”.
Thương chiến Mỹ - Trung là một trong những mối họa lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu và các thị trường tài chính trên thế giới.
Hơn 1 năm kể từ ngày “nổ súng”, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã liên tiếp chứng kiến những cuộc rượt đuổi thuế quan, khiến không chỉ thị trường thương mại và tài chính toàn cầu chao đảo mà các lĩnh vực khác như công nghệ đều “ngấm đòn”. Giới đầu tư lo ngại thương chiến leo thang sẽ đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái.
Diễn biến mới đây đã dập tắt hy vọng mâu thuẫn hai bên có thể giải quyết sớm. Cuối tuần trước, các quan chức Trung Quốc đã nhóm họp với phía Mỹ để chuẩn bị cho đàm phán thương mại cấp cao vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, họ bất ngờ hủy chuyến thăm các trang trại ở Mỹ và rời Washington sớm hơn dự kiến.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, việc hủy bỏ chuyến thăm trang trại không liên quan tới đàm phán thương mại sắp tới. Còn Bộ Thương mại Trung Quốc đánh tiếng rằng nội dung cuộc gặp vừa qua “có tính xây dựng”.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng toàn cầu năm 2019 sẽ xuống đáy trong vòng 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cụ thể, tăng trưởng toàn cầu dự báo đạt 2,9% năm 2019, thấp hơn mức 3,6% năm 2018. OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 vẫn thấp ở mức 3,0%.
“Đó là tín hiệu rất nguy hiểm,” ông Chu nói.
Nếu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng tới, đó sẽ trở thành “mối đe dọa lớn” tới kinh tế toàn cầu và “tác động trực tiếp tới hòa bình và phát triển chung”, cựu thứ trưởng nhận định.
“Đã đến lúc Trung Quốc và Mỹ phải ngồi lại trao đổi nghiêm túc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung,” ông Chu nói thêm.
Đầu tháng 9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận rất khó để duy trì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6% hoặc cao hơn do quy mô tăng trưởng đã cao và tình hình quốc tế phức tạp. Tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.
“Mức tăng trưởng 6,2% vẫn cao nhất so với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Không dễ để đạt được con số này, bởi tăng trưởng 1% GDP Trung Quốc có liên quan mật thiết tới việc làm của hơn 2 triệu người,” ông Chu bình luận.
Vực dậy niềm tin
Trong khi đó, ông Tony James, Phó Chủ tịch Tập đoàn quản lý tài sản và tài chính Blackstone than phiền, thương chiến Mỹ - Trung đã dội gáo nước lạnh vào niềm tin của giới kinh doanh, do đó, chỉ cần thỏa thuận nhỏ giữa hai bên cũng giúp cải thiện đáng kể niềm tin thị trường.
"Tôi vẫn lạc quan (về thương chiến Mỹ - Trung), nhưng đã ít đi," James nói. Hai bên cần đạt được thỏa thuận, dựa trên nền tảng lợi ích của 2 quốc gia, hay vì lý do kinh tế - chính trị. Thỏa thuận nhỏ có thể bao gồm các điều khoản “đơn giản” như Trung Quốc tăng cường nhập nông sản Mỹ và bỏ qua một số điểm mấu chốt về bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Một thỏa thuận nhỏ có thể phát đi thông điệp rằng hai bên sẵn lòng đàm phán và giúp cải thiện niềm tin kinh doanh. Quan trọng hơn, nếu không đạt thỏa thuận, hai bên sẽ không có cơ sở để tiếp tục thảo luận, đồng thời không có sự tương đồng về lợi ích. Và “chuyện” có thể ngoài tầm kiểm soát và tình trạng đối lập, thù địch càng trở nên nghiêm trọng và thậm chí là chiến tranh lạnh, ông James nhận định.