Từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng như luồng sinh khí mới đánh thức niềm tin vào tương lai, vận mệnh đất nước. Một Ban lãnh đạo mới của Đảng được chọn lựa kỹ càng và được bầu ra bằng lá phiếu dân chủ của hơn 1.500 đại biểu dự Đại hội. Họ sẽ là những người thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả, đó là lãnh đạo đất nước đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới.
Có thể nói “công cuộc Đổi mới lần thứ hai” đã được khởi xướng để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cách đây 30 năm, Đại hội lần thứ VI của Đảng từng tuyên bố, “Đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Đó là những chữ vàng sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Bởi lẽ, Đổi mới đã đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo, kém phát triển trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Đổi mới đã đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi khủng hoảng và chuyển từ kế hoạch hoá tập trung, khép kín sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực. Đổi mới đã nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...
Song động lực của công cuộc Đổi mới lần thứ nhất được khởi xướng cách đây 30 năm đã cạn dần, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiện hữu, dư địa tăng trưởng theo chiều rộng bị thu hẹp, trong khi những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu chưa được khơi dậy. Thêm vào đó, thách thức cạnh tranh từ tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng lớn, trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Bởi vậy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện để tạo ra những động lực mới cho giai đoạn phát triển mới một lần nữa trở thành yêu cầu bức thiết và đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
Động lực đó trước hết phải được tạo nên bởi yếu tố con người, thúc đẩy con người hành động, phát huy sáng tạo thông qua cơ chế chính sách đảm bảo lợi ích công bằng. Đó cũng là động lực được khơi dậy từ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam, từ phát huy dân chủ và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Thực tiễn 30 năm Đổi mới đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của đổi mới tư duy và cơ chế, chính sách. Công cuộc Đổi mới “lần thứ hai” đang đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng đầy đủ các nhân tố thị trường, nhất là thị trường đất đai, lao động, thị trường vốn. Thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó coi trọng hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài và hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ và thực chất nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tri thức thông qua các đòn bẩy kích thích đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm năng lượng...
Điều đặc biệt cũng được nhấn mạnh là đã đến lúc, đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị, tạo tiền đề để thực hiện đầy đủ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Khát vọng Đổi mới vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước đang bừng lên trong tâm thức của người Việt. Cùng với sự đổi thay của đất trời trong thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, đất nước đang chuyển mình trên chặng đường phát triển mới dưới ánh sáng Đổi mới của Đại hội XII của Đảng.
Niềm tin đó là món ăn tinh thần đầy ý nghĩa trong những ngày đón Tết, mừng Xuân Bính Thân.