Nếu báo chí không được đưa tin về dịch bệnh, không được lý giải rõ ràng, thì sự hoảng loạn liên quan đến dịch bệnh sẽ còn được nhân lên nhiều lần với những thông tin thật, giả khó lường trên mạng xã hội. |
Chủ yếu mất niềm tin vào báo lá cải
Cuộc điều tra của YouGov xoay quanh các vấn đề mức độ ủng hộ với các chính sách của chính phủ và độ tin tưởng vào các cơ quan chính phủ, chính trị gia và truyền thông. Kết quả cho thấy, trong khi cơ quan y tế công cộng của Anh là NHS (National Health Service) - tổ chức quản lý và vận hành các bệnh viện và cơ sở y tế công - nhận được độ tin cậy cao nhất, thì các chính trị gia như Bộ trưởng y tế Matt Hancock, Cố vấn trưởng khoa học Sir Patrick Vallance được độ tín nhiệm thấp, chỉ vừa hơn 50% hoặc dưới mức đó.
Đáng chú ý, sự tin tưởng vào báo chí và truyền thông là thấp nhất. Chỉ có 24% người tham gia điều tra cho biết họ tin tưởng các phóng viên truyền hình, 64% không tin tưởng. Phóng viên báo chí còn tệ hơn, chỉ được 17% tin tưởng và 72% không tin tưởng.
Tờ Guardian đã có một bài phân tích dài về việc này. Theo tờ này, một trong những lý do khiến người dân ít tin tưởng vào báo chí Anh trong dịp Covid-19 là do một bộ phận lớn người dân tỏ ra tin tưởng vào Chính phủ trong cách đối phó dịch và cảm thấy báo chí đang thổi phồng mức độ khủng hoảng của dịch bệnh. Báo cáo điều tra của YouGov tiến hành cho Trung tâm nghiên cứu Reuters của Đại học Oxford với 2.823 người đồng tình nhận xét này.
Richard Sambrook, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về báo chí của Đại học Cardiff cho rằng, người ta sẽ giảm tin tưởng vào truyền thông khi không thấy truyền thông đưa những tin đồng quan điểm với mình.
Vậy phải chăng người dân không còn tin vào truyền thông và báo chí? Không phải vậy. Trái lại, truyền thông và báo chí nghiêm túc sẽ chiếm được niềm tin của họ hơn.
Tuy nhiên, khi đào sâu vào các số liệu của YouGov thực hiện cho các trung tâm nghiên cứu Reuters Institute và Ofcom, chúng ta sẽ thấy một bức tranh khác. Những hãng tin truyền hình chủ chốt như BBC, ITV, Sky, Channel 4, Channel 5 của Anh nhận được mức tin cậy từ 72-82% người tham gia điều tra.
Những tờ báo nghiêm túc như Guardian, Financial Times, Telegraph nhận được mức tin tưởng thấp hơn một chút, nhưng cũng gần với các hãng tin trên. BBC được đánh giá cao vì truyền thông tốt về tình hình dịch bệnh, giúp người dân theo dõi được diễn biến dịch ngay tại địa phương mình qua công cụ truy xuất dữ liệu nhiễm bệnh tại địa phương gắn với mã bưu điện (mỗi một nhà ở Anh có một mã bưu điện riêng).
Như vậy, vấn đề là không phải người dân mất niềm tin vào toàn bộ giới truyền thông, mà họ chủ yếu mất niềm tin vào mấy trăm tờ báo “lá cải” của nước Anh, trong đó dẫn đầu là những tờ như The Sun với hơn 1 triệu bản in mỗi ngày, trong khi Financial Times chỉ có gần 170.000 bản và Guardian chỉ có dưới 150.000 bản.
Điều đó cho thấy một sự thật là, ngày thường, nếu tính tới chuyện “câu bạn đọc” (mà bình dân trên mạng xã hội gọi là “câu view”), thì những tờ báo nghiêm túc như Financial Times và Guardian không cách nào có thể cạnh tranh với những tin giật gân kiểu “người cắn chó thay vì chó cắn người” (nguyên văn một đồng nghiệp của tôi).
Nhưng vào những thời điểm trọng đại, báo chí nghiêm túc mới thật sự là nơi lấy được niềm tin của độc giả và làm đúng vai trò của báo chí nên làm, đó là đưa thông tin chính xác, với những nhận định công bằng, đa chiều cho độc giả, để họ có đủ thông tin mà ra quyết định chính xác cho bản thân. Những tờ báo chuyên đào sâu điều tra những tin tức nghiêm túc, có mức độ phức tạp cao đã đóng góp rất nhiều giá trị trong thời điểm này.
Bản lĩnh của những tờ báo nghiêm túc
Với giới phân tích tài chính, báo chí nghiêm túc đặc biệt hữu ích qua những truyền thông về dịch bệnh. Ngay ở thời điểm đầu dịch, bản thân tôi và nhiều người bạn đã rất may mắn kịp thời thực hiện các chiến lược phòng thủ quyết đoán để bảo vệ danh mục đầu tư (mua quyền chọn bán, tăng nắm giữ tiền mặt hoặc chuyển sang nắm giữ cổ phiếu dược phẩm, giảm nắm giữ cổ phiếu tiêu dùng) ở nhiều nước trước khi dịch bùng phát mạnh ở châu Âu, kéo “sập” thị trường sau đó mấy ngày.
Vào thời điểm đó, nếu báo chí che giấu hoặc truyền thông không đầy đủ, chúng tôi sẽ không thể nhận ra độ nguy hiểm và khả năng “xuất khẩu” dịch bệnh từ châu Á đến các nước để hành động kịp thời. Trong nhóm bạn của tôi, có những người Mỹ và châu Âu đã thừa nhận, lần này các bạn gốc Á đã đúng khi quyết đoán thực hiện chiến lược phòng thủ sớm.
Nếu không có những “lo lắng thái quá” của truyền thông Việt Nam - điều mà sau đó rõ ràng là đúng đắn - tôi cũng sẽ như những người bạn châu Âu của mình, cho rằng, dịch chỉ là tạm thời vài ngày mà thôi và sẽ bị rơi vào vòng xoáy giảm giá cực mạnh của thị trường từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/2020.
Quan trọng hơn, báo chí nghiêm túc còn giúp công chúng có thể “tiêu hóa” được những thông tin rất hữu ích, nhưng cũng rất hàn lâm và kỹ thuật về dịch bệnh, cũng như thuốc chữa bệnh. Những khái niệm dịch tễ học cơ bản, ma trận các loại tỷ lệ tử vong, lây nhiễm, số chết do Covid-19, tỷ lệ tử vong bất thường... cho đến các khái niệm về cơ chế lây nhiễm, đột biến của virus là những thứ không hề dễ “tiêu hóa”.
Trong dịch bệnh, nhiều chuyên gia tài chính đã bị buộc trở thành chuyên gia dịch tễ bất đắc dĩ để cố gắng hiểu rõ về các tin tức liên quan đến Covid-19, các công ty dược nào có tiềm năng tìm ra vắc-xin và thuốc chữa bệnh, các giai đoạn của quá trình thử nghiệm vắc-xin và thuốc... Nếu không có những bài báo giải thích đơn giản “cho bà ngoại cũng hiểu” của báo chí nghiêm túc, các chuyên gia tài chính cũng sẽ không thể tự tin rằng, ít ra mình có thể hiểu đúng những thứ cơ bản nhất, rồi từ đó tự tin đưa ra nhận định của mình.
Có thể một lúc nào đó, thông tin của truyền thông góp phần tạo ra những tranh luận trái chiều như có nên đeo khẩu trang không, có nên cách ly xã hội không, nhưng đó là những tranh luận cần thiết để các cơ quan nhà nước phải trả lời hợp lý, rõ ràng và có trách nhiệm với người dân. Nếu báo chí không được đưa tin về dịch bệnh, không được lý giải rõ ràng, thì tôi tin rằng, sự hoảng loạn liên quan đến dịch bệnh sẽ còn được nhân lên nhiều lần với những thông tin thật, giả khó lường trên mạng xã hội.
Chống tin giả, giải thích đơn giản thông tin thiết yếu và buộc các cơ quan nhà nước phải hành xử minh bạch, có trách nhiệm, đó chính là những lợi ích mà bản thân tôi hưởng lợi từ báo chí nghiêm túc. Câu dẫn bạn đọc qua tin giật gân như giật bồ, đánh ghen thì đâu có khó. Làm báo chí nghiêm túc cung cấp thông tin cho người đọc mới khó. Mà tồn tại trong thời đại mạng xã hội và khi người đọc ngày càng ít kiên nhẫn để đọc một bài viết khô khan, dài và nhiều số liệu, thông tin, càng khó khăn hơn nữa.
Trong thời đại này, một cơ quan làm báo nghiêm túc phải luôn đứng trước áp lực cân bằng giữa 2 lựa chọn: làm những nội dung tin sẽ được thuật toán của các mạng xã hội đẩy lên cao và thu hút người đọc bấm “like”, hay là truyền thông chính xác và sâu sắc về những sự kiện, câu chuyện. Làm sao thu hút và tương tác tốt với độc giả trong khi vẫn có thể làm những tin khô khan là chuyện vô cùng khó khăn.
Đại dịch Covid-19 là một sự kiện cảnh tỉnh tốt. Mặc dù báo chí cần chạy theo mối quan tâm thường nhật của bạn đọc, nhưng chạy theo nó quá mức sẽ làm mất đi bản năng và bản lĩnh đưa ra một bài báo có chất lượng và chuyên sâu. Vấn đề là làm sao một tờ báo nghiêm túc có thể duy trì được chất lượng trong bối cảnh sức ép “cơm, áo” đè nặng?
Và quan trọng hơn, đã ai làm một điều tra có quy mô để xem người dân xem đâu là những tờ báo nghiêm túc, đáng tin cậy trong thời kỳ dịch bệnh ở Việt Nam chưa? Kết quả có thể rất thú vị và cho người làm báo cũng như người làm quản lý biết rất nhiều thông tin hữu ích.