Đầu tư
Ninh Bình sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới
Đinh Thị Thúy Ngần - 30/03/2022 16:33
Ninh Bình đa dạng hóa xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới.
Trong dịp Kỷ niệm 200 danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã khởi công, khánh thành nhiều dự án đầu tư. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình khởi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A và kết nối Quốc lộ10 với Quốc lộ 12B ngày 23/3/2022

Thu hút đầu tư, đột phá tăng trưởng

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư, 30 năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi, điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

UBND tỉnh đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, ưu tiên thu hút các ngành, lĩnh vực lợi thế, những dự án có quy mô đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; ưu tiên  công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, điện tử…

Tập trung thu hút các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp kiểu mẫu, các ngành dịch vụ mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội.

Tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I, Tam Điệp II, Khánh Cư, Phúc Sơn và Kim Sơn với tổng diện tích  1.472 ha và  25 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch đến năm 2025 là 1.069,9 ha. Trong đó, có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; 14 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 70,8%.

Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã thu hút được 759 dự án với tổng vốn đầu tư là 156.227,6 tỷ đồng (119 dự án trong các khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 64.130 tỷ đồng; 230 dự án trong các cụm công nghiệp, tổng vốn đầu tư 19.684 tỷ đồng; 410 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp, tổng vốn đầu tư 73.413,6 tỷ đồng).

Thu hút được 87 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.549,603 triệu USD (30 dự án trong khu công nghiệp tổng, vốn đầu tư 590,44 triệu USD; 57 dự án ngoài khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 959,163 triệu USD). Đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, một số dự án quy mô lớn đi vào hoạt động, như: Nhà máy lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Nhà máy sản xuất Module Camera và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long, Nhà máy xi măng The Vissai, Tam Điệp, Hướng Dương, Duyên Hà... Các dự án đầu tư Khu du lịch Tràng An, khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, Địch Lộng - Vân Long - Kênh Gà... 

Kết quả  đó góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế và tạo đà tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 72.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đặc biệt là cơ cấu trong nội tại ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo ra giá trị lớn. GRDP bình quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng (khoảng 3.100 USD/người), bằng 83,7% mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách tăng nhanh, tổng thu ngân sách đến năm 2021 đạt 22.094 tỷ đồng, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó, số thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, cũng khẳng định những quyết sách về thu hút đầu tư, các chương trình xúc tiến đầu tư trọng tâm, trọng điểm của tỉnh là đúng và trúng.

Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới

Ngày 5/11/2021, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 tại Quyết định số 1217/QĐ - UBND; trong đó, đã xây dựng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh tập trung thu hút các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp kiểu mẫu, các ngành dịch vụ mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tập trung thu hút các dự án chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Lựa chọn thu hút các dự án đầu tư FDI chất lượng cao trong xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ, vừa, dự án siêu nhỏ, nhưng đảm bảo về công nghệ, tham gia sản xuất và liên kết chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Không thu hút các dự án công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên.

Khai thác hiệu quả các cơ hội, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu từ “Trung Quốc +1”. Duy trì các thị trường và đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và thu hút đầu tư từ các quốc gia là thành viên Hiệp định CPTPP, EVFTA. Chủ động tìm hiểu xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để tiếp cận, kết nối đầu tư vào những ngành nghề tỉnh có lợi thế.

Với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, tỉnh cũng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong xúc tiến và thu hút đầu tư, cụ thể như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ gắn với đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở trong Bộ Chỉ số DDCI của các sở, ban, ngành và địa phương có xếp hạng thấp và tiếp tục duy trì, chú trọng nghiên cứu, đổi mới phương pháp tư duy nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa đối với các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở đạt kết quả tốt trong năm 2021.

Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; Số hóa các quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện. Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng danh sách các nhà đầu tư chiến lược (trong và ngoài nước) có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để chủ động tiếp xúc vận động, kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả vào tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô, điện từ, du lịch…

Bốn là, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường.

Tin liên quan
Tin khác