Tỉnh Ninh Thuận sẽ phát huy lợi thế và tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo. |
Khai thác những giá trị khác biệt
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Ninh Thuận là địa phương có rất nhiều điều khác biệt.
Sự khác biệt mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập không chỉ là điều kiện tự nhiên của Ninh Thuận. Với khát vọng tạo đột phá trong chiến lược, quy hoạch để đón nhận những yếu tố mới, giá trị mới, năm 2009, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; lựa chọn mô hình tăng tưởng theo hướng tăng trưởng xanh.
Từ đó, Ninh Thuận đã đạt được bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương; đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để Ninh Thuận đánh giá những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Quy hoạch giai đoạn 2011-2020, xác định được các điểm nghẽn; bám sát các nghị quyết mới của Đảng, các nghị quyết mới theo từng lĩnh vực vừa được Bộ Chính trị ban hành; những mô hình mới, xu thế mới trên thế giới và được đặt trong bối cảnh mới để tận dụng hết những cơ hội đang có, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện.
So với bản quy hoạch 10 năm trước, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030 mang tính kế thừa (theo hướng tiếp cận mới là mô hình cạnh tranh), nhưng điểm mới là nâng lên thành mô hình tích hợp các nguồn lực, với các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh. Đây thực sự là điểm khác biệt với các địa phương khác.
- Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên tư tưởng phát triển mới, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo dư địa cho tăng trưởng.
Theo đó, Quy hoạch Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, đối với ngành năng lượng và năng lượng tái tạo, Ninh Thuận tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới.
Ninh Thuận cũng định hướng phát triển nguồn năng lượng hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đối với du lịch chất lượng cao, Ninh Thuận vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo, sáng tạo để trở thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.
Ngoài ra, du lịch Ninh Thuận được định hướng phát triển tập trung vào các khu vực dọc theo dải ven biển làm động lực với các lợi thế, tiềm năng hiện có như vịnh, bãi tắm; chú trọng các khu vực đặc thù khác như các cồn cát, khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt...
Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Ninh Thuận tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp sản xuất hóa chất sau muối để khai thác lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ.
Trong đó, Ninh Thuận ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu vực cảng biển và trung tâm logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh.
Đối với ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ninh Thuận phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên phát triển tại các khu vực, gồm: huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam với các vùng sản xuất tôm giống; huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và Bác Ái với các vùng sản xuất rau, cây ăn quả, nho, sản xuất mía đường.
Đối với ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản, Ninh Thuận định hướng phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững, đa dạng các loại hình bất động sản nhà ở, thương mại, du lịch, công nghiệp..., phù hợp nhu cầu của thị trường với chất lượng tốt và giá cả hợp lý; ứng dụng công nghệ vào xây dựng, quản lý, kinh doanh bất động sản, góp phần hiện đại hóa ngành xây dựng và đưa thị trường bất động sản của tỉnh ngày một phát triển.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận đưa ra 7 quan điểm phát triển, 4 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội, 7 mục tiêu về môi trường, 5 mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng, 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Nhận định về tiềm năng của Ninh Thuận, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung cho rằng, tài nguyên vô giá mà Ninh Thuận sở hữu là nắng và gió - yếu tố rất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là lợi thế khác biệt của Ninh Thuận so với nhiều địa phương khác.
Trong quy hoạch, việc đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia không chỉ là hướng đi đúng cho định hướng phát triển của tỉnh, mà còn phải là chiến lược năng lượng của quốc gia.
TS. Trần Du Lịch đề xuất, cần xem các điều kiện tự nhiên về nắng và gió ở một số địa bàn thuộc tỉnh Ninh Thuận là tài nguyên năng lượng tái tạo, nên cần công khai, minh bạch đấu thầu cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhằm khuyến khích ứng dụng công nghệ mới và giảm giá thành sản phẩm.
Quan điểm này cũng được ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Ninh Thuận là địa phương thiếu mưa, thừa nắng, nên cần phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là phát triển năng lượng tái tạo và trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước”.
Nhấn mạnh, quy hoạch 10 năm tới của Ninh Thuận xác định phát triển dựa trên 5 trụ cột chính trên cơ sở phát huy lợi thế và tiềm năng, năng lực của tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hoàng cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là ưu tiên đầu tiên và cũng là chiến lược lâu dài của tỉnh.
Theo ông Lê Kim Hoàng, Ninh Thuận có khác biệt rất lớn về khí hậu và thời tiết, hiếm nơi nào có 2.800 giờ nắng trong 10 tháng của năm và gió một chiều như Ninh Thuận. “Trước đây, nắng gió là khó khăn, nhưng giờ đây là lợi thế khác biệt để phát triển năng lượng theo mô hình xanh”, ông Lê Kim Hoàng nhận định.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, khi xây dựng quy hoạch, địa phương đã phân tích rất kỹ, rất sâu lợi thế dựa trên năng lực cạnh tranh. Tỉnh Ninh Thuận đã ban hành danh mục 55 dự án để kêu gọi đầu tư dựa trên 5 trụ cột chính, trong đó có 9 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo.
Các dự án này gồm: Dự án Điện khí LNG Cà Ná (1.500 MW, 51.793 tỷ đồng); Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200 MW, 22.865 tỷ đồng); Dự án Điện gió Tri Hải (79,5 MW, 2.760 tỷ đồng); Dự án Điện gió Đầm Nại 4 (27,6 MW, 1.649 tỷ đồng); Dự án Điện gió Đầm Nại 3 (39,4 MW, 872 tỷ đồng); Dự án Điện gió Phước Dân (45 MW, 1.478 tỷ đồng); Dự án Điện gió hồ Bầu Ngứ (25,2 MW, 988 tỷ đồng); Dự án Thủy điện Thượng Sông Ông 2 (7 MW, 265,837 tỷ đồng); Dự án Thủy điện Phước Hòa (22 MW, 862,139 tỷ đồng).
Tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án về năng lượng với tổng vốn đầu tư 5.960 tỷ đồng. Đó là các dự án: Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận của Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Phương Đông (65 MW, 2.530 tỷ đồng); Nhà máy Điện gió Phước Hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (50 MW, 1.730 tỷ đồng); Công trình Phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc, (30 MW, 1.700 tỷ đồng).