Thời sự
Ninh Thuận bứt tốc đến tương lai
Hoàng Anh - 17/02/2021 16:43
Như câu chuyện nàng công chúa lọ lem trong cổ tích, từ một miền quê gian khó, Ninh Thuận đã bứt tốc thần kỳ để lọt vào top đầu các địa phương phát triển của cả nước.

 

“Phép thần” năng lượng xanh

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Ninh Thuận đạt mức tăng trưởng 9,58%. Điều này khiến không ít người ngạc nhiên, bởi Ninh Thuận là vùng đất khắc nghiệt với “nắng như rang, gió như phan”. Trong năm 2020, địa phương này gặp khó khăn kép, khi bị hạn hán gay gắt và tác động của đại dịch Covid-19. Vậy phép thần nào tạo nên điều kỳ diệu đó ở Ninh Thuận?

Ít ai ngờ, nắng và gió từng gây bao khó khăn cho cuộc sống của người dân trước đây, thì bây giờ trở thành động lực phát triển của Ninh Thuận. Năng lượng tái tạo được xác định là thế mạnh, là ngành mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo thống kê, huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 của Ninh Thuận ước đạt 31.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước là 24.800 tỷ đồng, chủ yếu do đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là dự án của Trung Nam Group vào đường dây 500 KV và nhà máy điện mặt trời 450 MW, trị giá 12.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group chia sẻ, Ninh Thuận có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s, điện gió được vận hành ổn định cả ngày lẫn đêm. Riêng điện mặt trời không nơi nào được như Ninh Thuận, khi bức xạ rất tốt và giờ nắng cao nhất trong cả nước, kể cả Đông Nam Á. Đó là cơ sở để Trung Nam đầu tư lâu dài ở tỉnh này.

“Trung Nam Group khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó với Ninh Thuận, vì địa phương có điều kiện rất tốt để phát triển năng lượng tái tạo. Chúng tôi còn theo đuổi Dự án Điện khí Cà Ná. Trung Nam đã đầu tư vào Ninh Thuận gần 1 tỷ USD. Đến cuối năm 2020, Trung Nam đã gần đạt đến 1.000 MW điện năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận”, ông Tiến cho biết. 

Ngoài Trung Nam, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã rót số vốn khổng lồ để triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận. Đến cuối năm 2020, Ninh Thuận có 32 dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành với tổng công suất 2.473,6 MW. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư 50 dự án điện mặt trời, tổng công suất 3.120 MW trên diện tích 4.349 ha, tổng vốn đầu tư 76.089 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.510 MW, tổng vốn đầu tư 36.185 tỷ đồng. Đó những số vốn đầu tư rất lớn mà không phải địa phương nào cũng thu hút được.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện của tỉnh đạt khoảng 13.717 MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 34,8 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời, tỉnh dự kiến phát triển công suất đạt 8.442 MW, khi thực hiện thành công sẽ chiếm 42% trong 20.050 MW tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của cả nước.

Năng lượng tái tạo đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế Ninh Thuận, biến vùng đất khô cằn thành những cánh đồng điện trù phú, tạo đổi thay lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Những cánh đồng năng lượng tái tạo đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Ninh Thuận

Tương lai rộng mở

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tương lai phát triển của Ninh Thuận sẽ rất tươi sáng. “Với tiềm năng và lợi thế riêng, trong 10 năm tới, Ninh Thuận sẽ bứt phá lên lên top khá và top đầu của cả nước”, ông Cung nói. 

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, khi Ninh Thuận đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là từ khi Chính phủ  ban hành Nghị quyết số 115/2018/NQ-CP về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2023 và những năm tiếp theo, với nhiều cơ chế, chính sách mới, tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột, đặc biệt là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Chính sách này cho phép Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi 9,35 Uscent/Kwh với công suất 2.000 MW đến hết năm 2020. Nghị quyết này đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận, đưa địa phương tăng tốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam khẳng định, tỉnh tiếp tục xác định công nghiệp năng lượng là khâu đột phá phát triển. Điều này được thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngoài điện gió, điện mặt trời, Ninh Thuận còn có thế mạnh về điện  khí và thủy điện tích năng. Trong đó, Dự án Điện khí LNG Cà Ná sẽ là cú hích lớn cho vùng cát Ninh Thuận, khi Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I, công suất 1.500 MW trên diện tích 120 ha (đất liền và mặt nước biển) tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 49.000 tỷ đồng. Dự án quan trọng này nhằm cụ thể hóa chủ trương đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng của cả nước trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 115/2018/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với Trung tâm Điện lực Cà Ná với quy mô công suất 6.000 MW, Ninh Thuận cũng đẩy nhanh quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW; trong đó điện mặt trời là 8.648 MW, điện gió là 5.240 MW, Thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW…

Du lịch cũng là lợi thế lớn khác của Ninh Thuận. Sở hữu những bãi biển đẹp tuyệt đẹp, những thắng cảnh hoang sơ và kỳ bí, du lịch Ninh Thuận đã tạo sức hút mạnh đối với nhiều nhà đầu tư. Dọc theo cung đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đã và đang xây dựng các dự án như Công ty cổ phần T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland… Thời gian qua, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 57 dự án du lịch, tổng vốn hơn 29.000 tỷ đồng.

Những con số ấn tượng về vốn đầu tư của doanh nghiệp vào năng lượng tái tạo và du lịch đã chứng minh lựa chọn đúng đắn của Ninh Thuận khi tập trung phát triển những lĩnh vực mũi nhọn. Kết quả đó đến từ việc chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư mà chính quyền tỉnh đã thực hiện trong nhiều năm qua. Ông Trần Quốc Nam khẳng định, tiềm năng sẽ mãi chỉ là tiềm năng nếu không được đầu tư khai thác một cách hiệu quả. Bởi vậy, Ninh Thuận sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là những dự án điện mặt trời và điện gió để sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Đã qua rồi thời người ta nhắc đến Ninh Thuận là nghĩ đến vùng đất khô cằn chỉ có nắng và gió. Ninh Thuận giờ đây là vùng đất của năng lượng sạch, là những cảnh đẹp hoang sơ đến nao lòng, là những dự án du lịch tầm cỡ mọc lên, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày. Ninh Thuận đang tiến những bước vững chắc để trở thành địa phương phát triển hàng đầu cả nước trong tương lai không xa.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu: Đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 10 - 11%/năm. Đến năm 2025, kinh tế biển chiếm khoảng 41 - 42% GRDP của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 113 - 115 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế thì nông, lâm, thủy sản chiếm 18 - 19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42 - 43%; dịch vụ chiếm 39 - 40%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 100.000 - 105.000 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng…
Tin liên quan
Tin khác