Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi ngang qua dự án điện gió tại tỉnh Ninh Thuận. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, đối với lĩnh vực đầu tư công, giai đoạn 2021-2024, tỉnh thực hiện 148 dự án. Đến tháng 6/2024, Ninh Thuận đã hoàn thành đưa vào sử dụng 110 dự án, đang triển khai thực hiện 38 dự án
Trong đó, đối với hạ tầng giao thông, Ninh Thuận ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, ưu tiên các tuyến kết nối cao tốc Bắc - Nam, các tuyến quốc lộ đến khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, các trục chính trong khu đô thị và các trục nối vùng kinh tế trọng điểm.
Theo đó, Ninh Thuận đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng dài 62 km.
Dự án có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về giao thông liên tỉnh, kết nối liên kết giữa 3 tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận-Khánh Hòa, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng yếu của các tỉnh trong vùng, góp phần nâng cao hiệu quả quỹ đất 2 bên đường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 3 tỉnh.
Cùng với đó, Dự án Đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná dài 14,5 km góp phần phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông hạ tầng, tạo điều kiện thu hút phát triển mạnh mẽ công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Ninh Thuận.
Đáng chú ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết, địa phương chuẩn bị đầu tư tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên.
Đây được xem là tuyến đường động lực đột phá phát triển hành lang các trục Đông - Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP.HCM.
Ngoài ra, đối với Cảng hàng không Thành Sơn, hiện nay, Ninh Thuận đang xây dựng Đề án nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn và Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Thành Sơn trình Thủ tướng phê duyệt và thực hiện các thủ tục sớm triển khai thực hiện dự án.
Đối với vốn các thành phần kinh tế, đến ngày 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh có 469 dự án của các thành phần kinh tế đã được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn khoảng 221.902 tỷ đồng.
Trong đó, 345 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn khoảng 111.612 tỷ đồng; 52 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn khoảng 54.638 tỷ đồng; 72 dự án với tổng vốn 55.652 tỷ đồng đã được phê duyệt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các dự án ngoài ngân sách đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm lao động địa phương, kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định, thu ngân sách đạt khá.
“Nổi bật nhất là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm tới 81,9 % về tổng vốn đầu tư (91.461/ 111.612 tỷ đồng), qua đó góp phần đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo đúng chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy”, đại diện Sở này cho biết.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đã thu hút đầu tư 37 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha/năm (mục tiêu 700 triệu đồng/ha/năm), tăng bình quân 32,31 %/ năm; đóng góp 13,16 % vào giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.