Văn phòng Phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 15/9, đã có 204 hồ sơ dự án đăng ký thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 120 hồ sơ cấp Quyết định chủ trương, 84 hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Văn phòng Phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu cấp điều chỉnh Quyết định chủ trương, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 42 dự án với tổng vốn tăng thêm 4.471,3 tỷ đồng. Tham mưu UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án tổng vốn 15.964 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương về địa điểm 5 dự án tổng vốn đăng ký 5.344,4 tỷ đồng. Trong 17 dự án được UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, lĩnh vực năng lượng tái tạo có 3 dự án điện mặt trời với tổng vốn 13.817 tỷ đồng và 1 dự án điện gió với tổng vốn 1664 tỷ đồng, chiếm 23,52% tổng số dự án và chiếm tới 96,98% vốn đăng ký.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang gấp rút hoàn thành. |
Tình hình giải ngân vốn đầu tư các thành phần kinh tế trong 9 tháng năm 2020 ở Ninh Thuận đạt 30.215 tỷ đồng. Trong đó vốn FDI giải ngân đạt 2.128 tỷ, tập trung ở một số dự án như Nhà máy điện mặt trời SP Infra Ninh Thuận, Trang trại điện mặt trời Adani Phước Ninh, Trang trại sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ G3....
Giải ngân vốn đầu tư các dự án trong nước ước đạt 28.086 tỷ đồng, tập trung một số dự án như Nhà máy điện mặt trời Phước Minh 450MW kết hợp hạ tầng truyền tải, Nhà máy điện gió Trung Nam, Điện mặt trời Thiên Tân Solar, Điện mặt trời Xuân Thiện 1, Điện mặt trời Xuân Thiện 2... Dự kiến năm 2020, vốn giải ngân của các thành phần kinh tế ở Ninh Thuận đạt 35.246 tỷ đồng.
Năng lượng tái tạo trở thành khâu đột phá phát triển kinh tế của Ninh Thuận. |
Về tình hình triển khai các dự án, trong 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều dự án hoàn thành đưa vào hoạt động như dự án Điện mặt trời Phước Thái 1, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2, Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn, Nhà máy điện năng lượng mặt trời Thuận Nam 12, Trang trại điện mặt trời SP infra - Ninh Thuận.... Một số dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào hoạt động trong 3 tháng cuối năm 2020 như dự án Khai thác và chế biến đá xây dựng Cô Lô, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam 450MW, Nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh,...
Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và nắng hạn. Ước tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 14.874 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.075 tỷ đồng. Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao; năng lượng tái tạo tiếp tục trở thành khâu đột phá cho sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận.