Đầu tư
Ninh Thuận - thủ phủ năng lượng tái tạo
Hoàng Anh - 05/08/2020 09:29
Năng lượng tái tạo đã đưa Ninh Thuận từ một địa phương nghèo khó vươn mình trỗi dậy, trở thành thủ phủ năng lượng của Việt Nam.
Năng lượng tái tạo đã đưa tỉnh Ninh Thuật phát triển vượt bật trong những năm qua.

Đất màu của năng lượng

Ngồi câu cá ven biển, nơi có những trụ điện gió khổng lồ đang đều đặn quay, ông Nguyễn Ninh (xã An Hải, huyện Ninh Phước) bảo, ngày trước chỉ thấy những trụ điện gió này trên tivi, chứ chưa từng nghĩ lại xuất hiện ở ngay quê hương mình.

Ông Ninh kể, vì nắng gió khắc nghiệt, nhiều vùng đất ở Ninh Phước không thể sản xuất được, cuộc sống người dân vì thế rất khó khăn. “Rất thích được nhìn cánh đồng điện gió quay giống như ở nước ngoài. Nhưng quan trọng là, những công trình điện gió, điện mặt trời tạo công việc và thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp hay đi biển”, ông Ninh tâm sự.

“Đặc sản” nắng và gió đã từng là nguyên nhân khiến Ninh Thuận nghèo khó, thì bây giờ trở thành lợi thế đưa vùng đất này phát triển. Trải khắp theo chiều dài của tỉnh Ninh Thuận, từ phía biển cho đến đồi núi, những cánh đồng điện mặt trời và điện gió mọc lên nhanh chóng, đã tạo đổi thay kỳ diệu cho vùng đất này.

Ông Trương Xuân Vỹ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận khẳng định, các lợi thế về kinh tế biển, năng lượng tái tạo đã tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư. Nhờ vậy, năm 2019, tỉnh có 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó, một số chỉ tiêu lớn, quan trọng đạt cao, như tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,18%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; thu ngân sách đạt 4.274 tỷ đồng, về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ đề ra.

Ninh Thuận đang từng bước trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam, với những dự án điện gió, điện mặt trời lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, với nguồn vốn lớn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, GRDP của Ninh Thuận đạt 8.967 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cùng kỳ năm 2019; thu ngân sách nhà nước đạt 1.770 tỷ đồng…

Theo ông Vỹ, tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 34 dự án điện mặt trời (tổng công suất 2.376,85 MW) và 13 dự án điện gió (678,95 MW) được cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó đã hòa điện lưới quốc gia 25 dự án với tổng công suất 1.556,55 MW.  Tổng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo là trên 88.782 tỷ đồng - một con số khủng.

Một số dự án quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2020, như Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (450 MW) kết hợp trạm biến áp 220/500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam), với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, bổ sung hơn 1 tỷ kWh điện mỗi năm vào hệ thống điện quốc gia.

Khai phóng hết tiềm năng

Ninh Thuận đã trở thành mảnh đất màu mỡ để khai thác năng lượng tái tạo. Vì vậy, địa phương tận dụng cơ hội này để phát triển. Để đạt mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, tỉnh đã chủ động xây dựng trình phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035; Quy hoạch Phát triển điện mặt trời Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, với quy mô 10.476 MW.

“Các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư xây dựng đã giúp tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh chóng. Những địa phương khó khăn vì nắng hạn ngày trước thì bây giờ lại có nhiều dự án năng lượng tái tạo, qua đó tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Với việc thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đang từng bước được hình thành”.

- Ông Trương Xuân Vỹ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận

Đặc biệt, tỉnh đã kiến nghị và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh. Đây là chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2023 và những năm tiếp theo, với nhiều cơ chế chính sách mới, tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột của tỉnh, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong đó, cho phép Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi 9,35 Uscent/Kwh với công suất 2.000 MW đến hết năm 2020, phát triển thủy điện tích năng Bác Ái (công suất 1.200 MW), Trung tâm Điện khí Cà Ná (quy mô 1.500 MW), gắn với xây dựng cảng nước sâu Cà Ná với quy mô tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn…

Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định Ninh Thuận phát triển kinh tế dựa vào 6 nhóm ngành trụ cột, trong đó năng lượng là trụ cột đầu tiên…

Để tạo bước đột phá, phát triển nhanh, bền vững, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thuê Tập đoàn Monitor của Mỹ lập Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, thuê Tập đoàn Arup của Anh lập Đồ án Quy hoạch Phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh.

Tại Diễn đàn Năng lượng cấp cao Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra hàng loạt kiến nghị để tỉnh khai phóng hết những tiềm năng về năng lượng trên địa bàn.

Theo đó, nhằm hình thành các trung tâm năng lượng, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cần xác lập cụ thể vị trí khu vực của Ninh Thuận để đưa vào chỉ đạo triển khai thực hiện của Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030. Đặc biệt, ông Hậu cho rằng, chủ trương phát triển năng lượng khí LNG và tập trung phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG là chủ trương lớn của Nghị quyết số 55-NQ/TW, trong đó, cảng Cà Ná có lợi thế là cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu thương mại đến 250.000 tấn. Đây cũng là cảng gần với Tổ hợp khí 6.000 MW mà Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung giai đoạn I của Tổ hợp 1.500 MW. Do đó, Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4.600 MW đã quy hoạch trong Sơ đồ VII về điện hạt nhân sang đầu tư Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná.

“Chính phủ đã ưu tiên tạo điều kiện cho Ninh Thuận cơ chế phát triển điện mặt trời dài hơn so với chính sách chung, trong đó, cho Ninh Thuận phát triển tối đa 2.000 MW điện mặt trời, đi kèm với đó là cơ chế về giá cho các dự án, kéo dài đến hết năm 2020. Ngoài ra, còn có những chính sách kịp thời và hiệu quả khác về phát triển năng lượng tái tạo. Những chính sách khung đó tạo nền tảng giúp tỉnh phát triển. Ninh Thuận sẽ tận dụng cơ hội từ năng lượng tái tạo để phát triển nhanh và bền vững”, ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác