Hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đã về mực nước chết từ hơn một tháng qua. Nguồn: NTV. |
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến ngày 1/4/2024, tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn 195,97 triệu m3 /417,70 triệu m3, chiếm 47,26% dung tích thiết kế. Lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 111,79 triệu m3/ 165 triệu m3; lưu lượng nước vào hồ là 2,99 m3/s và đang xả nước với lưu lượng là 14,37 m3/s.
Theo dự báo, lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 5/2024 tại khu vực ven biển các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, TP. Phan Rang - Tháp Chàm ở mức 70 - 110 mm thấp hơn trung bình năm ngoái. Cùng thời gian này, mực nước trên các sông suối khu vực tỉnh ít biến đổi, lượng dòng chảy trên các sông suối phổ biến thấp hơn đến xấp xỉ trung bình năm ngoái…
Nguồn nước cho sản xuất vụ hè thu của Ninh Thuận hiện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước hồ Đơn Dương xả qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và 14 hồ chứa nước (Sông Cái, Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Thành Sơn, Sông Trâu, Nước Ngọt, Núi Một, Bà Râu, Lanh Ra, Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Ngứ, Suối Lớn).
Một số hồ chứa nước có nguy cơ cạn kiệt như Phước Nhơn, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Ông Kinh, Tà Ranh, Bầu Zôn,....
Về nguồn nước phục vụ sinh hoạt, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề cập, các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ cho người dân khoảng 1.484 hộ với 5.836 khẩu. Bao gồm, huyện Bác Ái là xã Phước Tiến có 252 hộ với 948 khẩu; huyện Ninh Hải có thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải có 85 hộ với 334 khẩu; huyện Ninh Sơn tại xã Ma Nới có 1.147 hộ với 4.554 khẩu.
Về tình hình cấp nước, UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin nhiều nhà máy nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cung cấp nước đầu vào.
Cụ thể, nhà máy cấp nước Phước Kháng, huyện Thuận Bắc (công suất 277 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 493 hộ với 2.104 khẩu) hiện sử dụng nguồn nước thô từ suối Lù Cu xã Phước Kháng. Tuy nhiên, nguồn nước suối Lù Cu đến tháng 3/2024 đã cạn kiệt nên hiện nay nhà máy Lợi Hải đang bơm bổ sung cấp nước cho nhà máy này.
Nhà máy cấp nước Tà Nôi, huyện Ninh Sơn (công suất nhà máy 134 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 171 hộ với 684 khẩu), sử dụng nguồn nước suối Tà Nôi (hiện tại nguồn nước còn sử dụng). Dự kiến đến hết tháng 4/2024, thời tiết không có mưa thì nguồn nước suối Tà Nôi cạn kiệt.
Nhà máy cấp nước Phước Thành, huyện Bác Ái (công suất nhà máy 366 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 736 hộ với 3.858 nhân khẩu), sử dụng nguồn nước đập Suối Lạnh. Nhà máy cấp nước Phước Trung, huyện Bác Ái (công suất nhà máy 354 m3 /ngày đêm, số hộ sử dụng nước 693 hộ với 2.635 nhân khẩu), sử dụng nguồn nước đập Ô Căm. Hiện tại nguồn nước cấp cho 2 nhà máy đủ cấp nhưng nếu không có mưa đến tháng 6/2024, nguy cơ nguồn nước đập Suối Lạnh và đập Ô Căm sẽ hết.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; khi tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài sẽ gây thiếu điện, thiếu nước ngọt phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác như dịch vụ kinh doanh du lịch; sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp,...
Trước tình hình khô hạn, ngày 16/4/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch ưng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Về nội dung kế hoạch, UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, ưu tiên hàng đầu nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân và một số ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ kịp thời, không để hộ dân nào bị thiếu đói.
Đồng thời, tùy tình hình thực tế, đặc biệt là việc tích trữ nước tại hồ Đơn Dương và các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh để có phương án sản xuất vụ hè thu năm 2024 đảm bảo hợp lý, hiệu quả,... với mục tiêu cao nhất là “không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt; không để đàn gia súc, gia cầm thiếu nước uống và phát sinh dịch bệnh; quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước theo hướng ổn định, bền vững”…