Khu vực đầu nguồn hồ thủy lợi Sông Cái đang bị người dân lấn chiếm trên 10 ha để trồng bắp. Nguồn: NTV. |
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, chỉ thị được ban hành do trong thời gian gần đây, công tác quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều còn nhiều hạn chế dẫn đến các hành vi, vi phạm về thủy lợi, đê điều ngày càng có chiều hướng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ ra như các công trình thủy lợi, đê điều trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận; do nhiều đơn vị quản lý khác nhau; các quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều còn chưa đầy đủ, chồng chéo, chưa rõ ràng; sự hiểu biết của tổ chức, cá nhân còn hạn chế, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đánh giá, công tác xử lý các vụ việc vi phạm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và dứt điểm, nhiều vụ việc vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình thủy lợi, đê điều, gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh các hậu quả pháp lý khó giải quyết.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đối với các dự án đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các trình tự thủ tục đầu tư các công trình, dự án có liên quan đến công trình thủy lợi, các hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi đối với các ngành, các địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư; kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khi tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của các dự án có xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi; Sở Giao thông vận tải khi lập dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều đều được yêu cầu phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất về quy mô công trình, giải pháp thiết kế kỹ thuật thi công để đảm bảo tưới, tiêu trong suốt quá trình thi công…
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các khu công nghiệp đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo đúng quy định; hoàn trả hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh.
Đối với địa phương, UBND cấp huyện cần yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Lý do là hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận không phân cấp các hoạt động cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kể các các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cho cấp huyện.