Kinh tế biển sẽ là mũi nhọn để phát triển Ninh Thuận trong thời gian tới |
Các ý kiến này được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Ninh Thuận – 25 năm xây dựng và phát triển”. Hội thảo được UBND Tỉnh Ninh Thuận tổ chức sáng nay, 30/3, bên lề dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh nhằm đánh giá đầy đủ những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, những bài học kinh nghiệm, qua đó thảo luận, đề xuất để tìm ra các giải pháp mới khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai.”
Đánh giá về hành trình 25 năm qua, ông Nguyễn Đức Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho rằng, chặng đường 25 năm chưa phải là dài, song đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp như Ninh Thuận thì những thành quả đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào.
Ông Nguyễn Đức Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận |
Ông Thanh chia sẻ, nếu như trong những ngày đầu tái lập, địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, cơ cấu kinh tế lạc hậu, hạ tầng yếu kém, thu ngân sách thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thì giờ đây, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với khát vọng vươn lên, Ninh Thuận đã có được diện mao mới, vị thế mới.
“Trong 25 năm qua, quy mô giá trị của địa phương đã tăng đến 31,2 lần; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,7%/ năm; thu ngân sách đạt trên 2.000 tỷ đồng trong năm 2016, tăng hơn 60 lần so với năm đầu tái lập; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; công nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 14%/ năm; du lịch có nhiều đột phá, tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm, đạt gần 2 triệu lượt khách vào năm ngoái”, ông Thanh cho biết.
Cũng theo ông Thanh, tiềm năng và lợi thế của tỉnh thời gian qua đã dần được khơi dậy và phát huy; nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn và các lợi thế mới về năng lượng tái tạo đã được chấp thuận chủ trương địa điểm hoặc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, hình ảnh và thương hiệu mới của tỉnh từng bước được tạo dựng, tạo ra làn sóng đầu tư mới.
Tuy vậy, không chủ quan với các kết quả đạt được, ông Thanh cũng cho rằng, thời gian sắp tới, vẫn sẽ là quảng thời gian đầy thách thức với Ninh Thuận, nếu không nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, xác định con đường và hành động quyết liệt, Ninh Thuận không dễ để đạt được những mục tiêu đề ra.
Chia sẻ về nhận định này, PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Ninh Thuận cần phải ngay lập tức xác định lại cho mình ngành kinh tế động lực để phát triển khi mà một số mục tiêu trong “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” dựa trên những giả định quan trọng đã không còn phù hợp, đồng thời biến đổi khí hậu cũng đang có những tác động rất mạnh không chỉ với riêng Ninh Thuận mà còn với nhiều địa phương trên cả nước.
Theo ông Thắng, căn cứ tình hình thực tế, trong giai đoạn trước mắt, việc phát triển những ngành kinh tế chủ lực của Ninh Thuận nên tập trung ưu tiên hơn cho các ngành kinh tế biển, trong đó trục chính là du lịch và hải sản.
Đối với lĩnh vực du lịch, ông Thắng phân tích, về phía cầu, trong nước mức độ gia tăng thu nhập chung của các tầng lớp dân cư đang tăng lên, kèm theo đó là sự xuất hiện và gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến sự thay đổi về mức cầu và cơ cấu nhu cầu tiêu dùng trong xã hội, vì vậy du lịch hứa hẹn sẽ là lĩnh vực đầy tiềm năng trong thời gian tới khi mà thị trường khách ngày càng rộng mở. Về phía cung, các điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ hơn du lịch biển của Ninh Thuanạ về cơ bản đã sẵn sàng. Sự khác biệt của vùng biển Ninh Thuận sẽ không tạo ra sự cạnh tranh mà ngược lại, sẽ là sự bỏ sung cho sự lựa chọn đa dạng của khách hàng cũng như sự liên kết để tạo thành chuỗi du lịch biển với Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu.
Với ngành kinh tế biển động lực tiếp theo là đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản, hiện tại vùng biển Ninh Thuận được xem là một trong 4 ngư trường lớn và giàu nguồn lợi nhất cả nước, vì vậy tỉnh cần tập trung tìm phương hướng mở rộng lĩnh vực hậu cần để gia tăng giá trị sản phẩm nhắm tới mục tiêu cung ứng giống và xuất khẩu thủy sản đứng top đầu cả nước cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.
Kiến nghị một số giải pháp trước mắt để phát triển ngành kinh tế động lực ở Ninh Thuận, PGS.TS. Bùi Tất Thắng cho rằng, tỉnh cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI. Bên cạnh đó đẩy mạnh liên kết vùng và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện, trọng tâm là phát triển du lịch biển, thủy hải sản và năng lượng sạch. Khâu mấu chốt lúc này là tìm kiếm các đối tác đầu tư có tính chiến lược, mạnh về tài chính, có công nghệ hienẹ đại, có thị trường lớn và ổn định.
TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cảnh báo, Ninh Thuận đang phải đối mặt với một cuộc cách mạng năng lượng có thể xảy đến trong tương lai rất gần. Thế mạnh tưởng như là lợi thế rất lớn của Ninh Thuận đó là năng lượng tái tạo hoàn toàn có thể biến mất khi các phát minh mới liên tục gây ra sự xáo trộn về giá năng lượng và cơ cấu nguồn cung năng lượng.
“Những tấm pin mặt trời hiện đã được tích hợp vào nhiều vật dụng, và trong tương lai khi được sản xuất đại trà với giá rẻ và cung ứng toàn cầu, đây sẽ là cuộc cách mạng mới cho ngành năng lượng khi việc cung ứng điện sẽ được xã hội hóa dự báo lên tới 40% và giá điện sẽ giảm đến mức cực đại”.
Do vậy ông Thắng kiến nghị Ninh Thuận cần theo dõi sát và nắm bắt tình hình thế giới và đi đúng nhịp toàn cầu để có kế hoạch thu hút đầu tư hiệu quả.