Kinh tế Ninh Thuận phát triển sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản |
Chọn cách phát triển “đảo logic”
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, cách đây chưa đến chục năm, kinh tế của Ninh Thuận rất thấp, có thể miêu tả bằng cụm từ “tỉnh nghèo, dân khổ, phát triển khó”.
Một thời gian dài, Ninh Thuận bị bó chặt trong gian khó. Với xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, Ninh Thuận không dễ bứt phá. Theo logic truyền thống, Ninh Thuận khó có thể tự giải quyết vấn đề phát triển của mình. Thế nhưng, điều không thể đã trở thành hiện thực. Với những nỗ lực bền bỉ và chuyển động một cách khác thường, mà theo ông Trần Đình Thiên là không tuân theo logic truyền thống, đã mở ra triển vọng phát triển mới, đầy lạc quan cho Ninh Thuận.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, ngày 17/4/2022)
Ninh Thuận là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả, đúng tầm. Tỉnh Ninh Thuận cần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển và mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Cùng với việc phát huy những thành quả, tiềm năng đã có, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Ninh Thuận cần phải chủ động tạo ra những cơ hội phát triển mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Ninh Thuận phải chú ý phát triển dân số một cách khoa học, hợp lý trong bối cảnh "đất rộng, người thưa", bởi nguồn lực con người là quan trọng nhất. Xác định rõ trụ cột để phát triển như năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch, công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa chất. Tiếp tục xây dựng, bổ sung quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, hóa giải các thách thức, khắc phục các hạn chế, yếu kém…
Sau 30 năm tái lập, kinh tế Ninh Thuận đã tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 8,14%/năm, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực miền Trung. Đặc biệt, 3 năm gần đây, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận thuộc nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước. Theo đó, năm 2019 tăng 14,69%, đứng thứ 4; năm 2020 tăng 10,02%, đứng thứ 4; năm 2021 tăng 9%, tiếp tục đứng thứ 4. Sự bứt tốc mạnh mẽ đó đã góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Ninh Thuận đề ra và thu ngân sách về đích trước 3 năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, tạo tiền đề hướng đến tự chủ ngân sách.
Ninh Thuận cũng trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư. Nếu như năm 1994, tỉnh chỉ có 1 dự án FDI với tổng vốn 24,5 tỷ đồng, thì đến nay đã thu hút được 35 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 26.509 tỷ đồng. Ngoài ra, thu hút 396 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 161.108 tỷ đồng, trong đó có 307 dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ lệ 71,2%...
Ninh Thuận đã chọn cách “đảo logic” để giải quyết vấn đề phát triển của mình. Đây là một lựa chọn khác thường và nó đem lại những kết quả phi thường, làm đổi đời cả một vùng đất. Nắng to, gió lớn, đất khô cằn - những thứ đã khiến Ninh Thuận trong suốt nhiều thế kỷ là một vùng đất nghèo khó, nay trở thành nguồn lực phát triển hiện đại, với điện gió, điện mặt trời và du lịch. Biến toàn bộ khung cảnh hoang sơ và khốc liệt của “cát, đá, nắng cháy và biển xanh” trở thành tài nguyên du lịch hạng nhất.
Tuy nhiên, thành công kinh tế lớn nhất của Ninh Thuận không nằm ở tốc độ tăng trưởng GDP cao, bền vững, mà là ở sự thay đổi cách phát triển và việc khẳng định một cấu trúc phát triển mới. Ninh Thuận đã định hình một cơ cấu ngành kinh tế dựa trên các trụ cột mới là năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp và chuỗi nông sản đặc sản, thay thế nhanh cấu trúc kinh tế truyền thống dựa chủ yếu vào kinh tế nông nghiệp.
Hội tụ những giá trị khác biệt đã mở ra cơ hội phát triển lịch sử cho tỉnh Ninh Thuận |
Thời cơ mới
Ninh Thuận đã định vị được tầm và thế phát triển của mình, đang hướng tầm nhìn xa hơn về tương lai. Thế vươn của Ninh Thuận đang mạnh, các cơ hội lớn mở ra, tạo nên một cơ hội lịch sử cho vùng đất này.
Hội tụ những giá trị khác biệt, từ năng lượng tái tạo, du lịch đến cảng biển, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút được dòng vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp. Cùng với đó, những dự án hạ tầng kết nối Ninh Thuận với các trung tâm kinh tế lớn đang được triển khai thực hiện như Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hay nghiên cứu, xúc tiến để sân bay Thành Sơn trở thành sân bay lưỡng dụng, tạo đòn bẩy cho phát triển địa phương.
Thu hút dòng vốn đầu tư mạnh, hạ tầng giao thông được khai thông, chắc chắn sẽ tạo sức bật cho Ninh Thuận. Kinh tế phát triển sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó nhu cầu về nhà ở, bất động sản sẽ tăng cao, khi nhân lực dồn về Ninh Thuận ngày càng nhiều.
Việc mở rộng không gian phát triển một số tuyến ngành của Ninh Thuận trong giai đoạn tới là rất tiềm năng. Đó là năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi. Du lịch, với tiềm năng du lịch biển nối với du lịch đất liền - kết nối vùng, với vô số loại hình du lịch đẳng cấp cao. Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm văn hóa Chăm tầm cỡ quốc tế, tạo thương hiệu quốc gia - vùng. Cảng biển - hàng hải và logistics, tiếp đến là xây dựng đô thị theo hướng hiện đại hóa sẽ được đẩy mạnh theo hiệu ứng tự nhiên từ sự phát triển kinh tế mang tính bùng nổ.
“Đó là những tọa độ đang được ưu tiên lựa chọn và đó là sự lựa chọn đúng đắn của Ninh Thuận trong giai đoạn tới. Đặc biệt lưu ý chương trình xây dựng Cà Ná thành tổ hợp Đô thị - Cảng biển - Công nghiệp. Dự án mang tính tổng hợp đa ngành này được dự báo sẽ tạo cho Ninh Thuận một năng lực phát triển mới, mạnh mẽ chưa từng thấy. Đây thực sự là một cú đột phá đúng nghĩa, làm thay đổi căn bản cấu trúc kinh tế của Ninh Thuận”, ông Trần Đình Thiên phân tích.
Dự án quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị đặc biệt”. Theo đó, Ninh Thuận đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước vào năm 2025; là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao. Đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, phát triển đạt mức cao…
Dự thảo quy hoạch cũng đưa ra 5 lĩnh vực quan trọng là năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Ninh Thuận xác định 3 khâu đột phá, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hai động lực phát triển là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Ninh Thuận đã tiến vượt nhanh chóng từ những giá trị khác biệt. Chắc chắn, những giá trị khác biệt sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội lớn cho phát triển bền vững của Ninh Thuận trong tương lai.