Cụ thể, mỗi đội thi sẽ có thời gian phát triển mô hình kinh doanh dưới sự hướng dẫn của cố vấn riêng, bên cạnh chương trình đào tạo chung về nghiên cứu thị trường, định giá ý tưởng.
Sau ba tháng, các start-up sẽ xác định được tệp khách hàng của họ và cải tiến lộ trình tăng trưởng, xây dựng đội ngũ vững vàng, thấu hiểu cách làm việc của các nhà đầu tư và phát triển chiến lược gọi vốn của riêng mình.
Mấu chốt của vòng thi là NTUit.io Investment Game – sự kiện gọi vốn được tổ chức vào ngày 09/04/2021 nơi 15 đội sẽ chinh phục các nhà đầu tư.
Trước đó, thông qua Investment Game - game mô phỏng quá trình gọi vốn đầu tư thực tế được tổ chức trực tuyến vào trung tuần tháng 11/2020, 30 start-up được chọn từ vòng sơ loại đã có cơ hội giới thiệu doanh nghiệp của họ với các nhà đầu tư, trải nghiệm sự căng thẳng của quá trình gọi vốn đầu tư trực tuyến và tranh tài.
Từ đó, có 15 start-up đủ tiêu chuẩn được chọn cho vòng tăng tốc trong năm 2021.
Các đội thi sẽ bắt đầu vòng thi với mô hình Acceleration Boot Camp – chương trình đào tạo cường độ cao trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết nhằm hỗ trợ các start-up giai đoạn đầu xây dựng chiến lược phát triển và tiến tới gọi vốn thành công.
Được biết, tốp 15 start-up trong chương trình này đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, môi trường, nông nghiệp, y tế đến nghiên cứu hành vi người dung, trí tuệ nhân tạo để phát triển sản phẩm trong nền kinh tế số.
Có thể kể đến một số sáng kiến nổi bật như mạng xã hội kinh tế địa phương SORA - cho phép giao dịch bằng hiện vật và hướng tới một nền kinh tế không phụ thuộc tiền.
Ngoài ra còn có ứng dụng thu gom phế liệu VECA - bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền từ phế liệu và góp phần bảo vệ môi trường, thiết bị điều trị công nghệ cao AMED - sáng chế “Made in Vietnam” chất lượng quốc tế phục vụ lĩnh vực y - dược da liễu nội địa, nền tảng dữ liệu phong phú cho ngành nông nghiệp Việt AgriBiz,…
Trang Đỗ và Bảo Bùi, 2 nhà sáng lập VECA- bộ ứng dụng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường thông qua mô hình mua bán phế liệu thông minh (Nguồn: VECA). |
Về chất lượng các start-up, ông Lim Boon Chow, Phó giám đốc phát triển doanh nghiệp của Đại học kỹ thuật Nanyang, NTUitive Pte Ltd (Singapore) đánh giá, những ý tưởng tham gia chương trình này đều thiết thực và rõ ràng để giải quyết các vấn đề của ngành, đồng thời mang đến tác động xã hội.
Ngay cả trong giai đoạn đầy thách thức như năm 2020, vẫn có rất nhiều ý tưởng độc đáo được hình thành tại khu vực Đông Nam Á.
Những startup non trẻ đã và đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để thực hiện ý tưởng kinh doanh của họ.
Ông Lim Boon Chow cho đây là tín hiệu tích cực, cho thấy khối Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam đang dần trở thành trung tâm khởi nghiệp của châu Á.
Sự đổi mới và công nghệ có thể là trụ cột của một start-up, nhưng chính những nhà khởi nghiệp và đội ngũ của họ mới là người làm nên điều kỳ diệu. Đó là lý do NINJA Accelerator tập trung vào đào tạo con người.
Đồng thời, vị này còn nhìn nhận, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là “điểm sáng” kinh tế nhờ khả năng duy trì chỉ số tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp những thách thức từ đại dịch toàn cầu.
“Từ đó, chương trình NINJA Accelerator tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên cộng đồng khởi nghiệp và tạo ra nhiều start-up thành công, nhận được tài trợ tốt từ những chương trình tương lai do các đối tác Việt Nam của chúng tôi tổ chức bắt đầu từ nửa cuối năm 2021”, ông Lim Boon Chow chia sẻ.
Ở vòng tăng tốc này, mỗi đội sẽ được chỉ định một cố vấn riêng để được hướng dẫn xác định mô hình kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, xây dựng mạng lưới kết nối và định vị ý tưởng cho bước gọi vốn.
15 cố vấn sở hữu kiến thức chuyên ngành trong các lĩnh vực nhân lực, trí tuệ nhân tạo, giáo dục công nghệ, blockchain, phân phối và bán lẻ, giải pháp nông nghiệp, quản trị và vận hành doanh nghiệp.
Là 1 trong 15 cố vấn được chọn tham gia chương trình NINJA Accelerator tại TP.HCM, ông Bobby Liu nhà sáng lập vườn ươm khởi nghiệp Hub.IT, đồng sáng lập TECHFEST Vietnam đánh giá, khác với những chương trình tăng tốc khác, tại NINJA Accelerator, các start-up được đào tạo và trau dồi kỹ năng mềm để tư duy, đặt câu hỏi phản biện cũng như giao tiếp một cách thuyết phục.
Các kỹ năng này sẽ hình thành nền tảng giúp họ hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra của nguồn vốn và thuyết phục được các nhà đầu tư.
“Trong ba tháng này, 15 đội sẽ học hỏi từ những chuyên gia và cố vấn của chúng tôi, đồng thời xoay chuyển doanh nghiệp của họ bằng cách khai thác những cơ hội có thể là kết quả của đại dịch sức khỏe toàn cầu”, ông Bobby Liu chia sẻ.
Chương trình tìm kiếm các startup và đội nhóm có những giải pháp sáng tạo phù hợp với 6 trong số các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN SDGs), gồm có xoá đói giảm nghèo, sức khoẻ và hạnh phúc, giáo dục chất lượng, năng lượng sạch và giá rẻ, công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng, hành động vì khí hậu.