Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, đại biểu Trần Du Lịch một mặt đánh giá cao những thành quả đạt được của nền kinh tế, như ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết được lạm phát, giải quyết được nguy cơ mất thanh khoản ngân hàng..., nhưng vẫn bày tỏ nhiều lo ngại đối với nền kinh tế.
Theo vị chuyên gia này, Thủ tướng Chính phủ đã nêu 9 nội dung tồn tại của nền kinh tế, và ông cũng đồng tình điều đó. Tuy nhiên, ông cũng vạch ra 4 hạn chế của nền kinh tế.
Thứ nhất, tổng đầu tư xã hội giảm, trong khi nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn.
Thứ hai, nông nghiệp đạt được nhiều kết quả, nhưng đã giảm trần tăng trưởng và đang suy giảm, nếu thiếu động lực mới trong vấn đề tái cấu trúc.
Thứ ba, kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong nước trong một thời gian dài chết quá nhiều và xảy ra một hiện tượng là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tồn tại tốt, nhưng doanh nghiệp trong nước phát triển yếu kém.
Đại biểu Trần Du Lịch quan ngại việc Bộ Tài chính làm theo kiểu "giật gấu, vá vai" |
“Nếu chúng ta duy trì một tốc độ tăng trưởng mà dựa vào FDI thì sẽ phát sinh một mâu thuẫn trong nền kinh tế, bởi vì xét cho cùng, FDI vẫn là nợ quốc gia. Nếu phát triển lĩnh vực đó thì GDP tăng, nhưng lợi tích quốc gia sẽ giảm bởi vì tổng nguồn vốn đưa vào bao giờ cũng thấp hơn tổng đưa ra và phân phối không không đều”, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm.
Và thứ tư, điều mà vị đại biểu này quan tâm là hiện Việt Nam đang vướng vấn đề chi ngân sách, nợ công thâm thủng.
“Việc chi tiêu ngân sách, tôi thấy Bộ Tài chính làm theo kiểu ‘giật áo, vá vai’ thì rõ ràng không có dư địa để chúng ta kích tổng cầu cho giai đoạn sau”, đại biểu Trần Du Lịch quan ngại.
Từ việc vạch ra 4 hạn chế này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, từ năm 2016 trở đi, dù ông đồng tình với mục tiêu tăng trưởng là 6,5 đến 7%, nhưng để đạt được thì phải có động lực mới, không có động lực mới sẽ không đạt được.
Để có động lực tăng trưởng mới, đại biểu Trần Du Lịch lại tiếp tục đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, về chính sách tiền tệ, mặc dù đánh giá rất cao những kết quả đạt được, về ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ, nhưng trước mắt, mục tiêu rất khó là làm sao giảm lãi suất ngân hàng.
Thứ hai, phải lợi dụng sự ổn định hệ thống ngân hàng để nâng cao công tác quản trị, nếu không bất ổn định sẽ quay trở lại.
Thứ ba, theo đại biểu Trần Du Lịch, là để kích thích tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán tỷ lệ vay tín dụng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, có nghĩa là bình quân phải ít nhất 20% trong giai đoạn tới.
“Về chính sách tài khóa, tôi đề nghị chính sách trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng nhiều biện pháp, trong đó có cải cách hành chính”, đại biểu Trần Du Lịch nói và bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án tái cơ cấu lại nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề trả nợ công, trong đó kể cả phát hành trái phiếu.
“Phải giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc. Hiện nay tất cả mọi gánh nặng đổ lên ngân hàng thương mại, từ nhà nước cho tới doanh nghiệp không thể nào giải quyết được bài toán về vốn”, ông Lịch trăn trở.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, trong vấn đề tái cấu trúc, cần tập trung vào 2 việc.
Một là, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hai là, đề nghị Quốc hội sớm có Luật về Công nghiệp hỗ trợ và gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điểm cuối cùng, theo đại biểu Trần Du Lịch là giải quyết rốt ráo nợ xấu ngân hàng. “Tôi kiến nghị Quốc hội phải có nghị quyết để giải quyết căn cơ vấn đề này. Hiện nay chúng ta mới giải quyết một phần thôi, chưa giải quyết căn cơ vấn đề”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.